Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sứ mệnh cao cả của thầy thuốc, rằng: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.
Là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, đội ngũ làm công tác y tế không chỉ phải giỏi về chuyên môn,
mà còn phải có tâm, có đức. Cái tâm, cái đức của người thầy thuốc “phải như mẹ hiền”, đó là đòi hỏi từ chính lương tâm của nghề nghiệp. Y đức cao đẹp của thầy thuốc là tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình”; chung niềm vui, san sẻ nỗi đau với người bệnh “coi họ đau đớn như mình đau đớn”.
Dù không muốn, nhưng ai cũng phải trải qua ít nhất một lần rủi ro bệnh tật. Khi lâm bệnh, đau đớn do bệnh tật đem lại chỉ một, nhưng khổ đau về tinh thần đến mười. Đạo đức của thầy thuốc không chỉ “chữa bệnh tật”, mà còn phải “nâng đỡ tinh thần”; không chỉ “Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ”, mà còn phải tìm mọi cách an ủi, động viên với thái độ, cử chỉ dịu dàng, tận tình như người mẹ, tạo liều thuốc vô giá loại bỏ ưu phiền, xoa dịu nỗi đau, thắp sáng niềm tin, hy vọng vào sự sống cho bệnh nhân.
Không dừng lại tình thương dành cho người bệnh như người ruột thịt của mình, mà Bác Hồ, Đảng, Chính phủ còn yêu cầu người thầy thuốc có y đức phải say mê, gắn bó với nghề nghiệp, luôn trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng và “thật thà đoàn kết” giữa các thầy thuốc, các cán bộ với nhau. Từ “các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ đến những người phục vụ trong ngành” phải đoàn kết thân ái, “Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế trong việc phục vụ nhân dân”. Đất nước phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao, xã hội ngày càng văn minh, thì y đức càng trở thành vấn đề nhạy cảm, cả nước quan tâm, bởi đó là phẩm chất nhân văn, giá trị cốt lõi của ngành Y và người thầy thuốc.
Nhân dân ta đã tôn vinh và ghi danh biết bao chiến sĩ áo trắng không ngại khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn, quên mình cứu chữa cho thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến và hậu phương. Biết bao thầy thuốc đã để lại một phần xương máu của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hòa bình lập lại, đội ngũ thầy thuốc vẫn âm thầm làm việc, cống hiến, hy sinh thầm lặng vì sức khỏe nhân dân mà không hề đòi hỏi gì cho bản thân. Họ có mặt ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo, cống hiến hy sinh cả thời tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư; họ làm việc ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, dành thời gian cho bệnh nhân nhiều hơn cho gia đình, làm hết việc chứ không phải hết giờ; tất cả vì người bệnh thân yêu, vì sức khỏe cường tráng của quốc gia, dân tộc. Hôm nay khi dịch COVID-19 bùng phát, họ chứ không ai khác lại tiên phong đi vào nơi hiểm nguy nhất để cứu dân, cứu những sinh mạng không may nhiễm virus Corona. Hơn ai hết, họ xứng đáng được tôn vinh “Thầy thuốc như mẹ hiền”!
NGUYỄN QUANG PHI