Sự tử tế chưa bao giờ cạn!

Thứ Ba, 11/02/2020, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Người xứ Nghệ có điệu ví dặm rất hay: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”!

Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công bố dịch do virus Corona tại Việt Nam và nêu rõ phương châm “Chống dịch như chống giặc”, người dân cả nước đã chung tay đẩy lùi dịch bệnh và có những hình ảnh đẹp đẽ, giàu tính nhân văn. 

Có gì đó thật ấm lòng khi trên các nẻo đường, khu vực công cộng xuất hiện những điểm phát miễn phí khẩu trang y tế với dòng chữ “hãy lấy nếu bạn cần!”. “Lượng hàng phát ra chưa phải là lớn, nhưng chúng tôi mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vì lợi ích chung của cộng đồng”, một chủ nhà thuốc chia sẻ.  

Những chiếc khẩu trang bỗng trở nên đẹp lạ lùng khi được phát đi từ bàn tay nhỏ nhắn của những cô bé, cậu bé học sinh tiểu học. Các em đã không ngần ngại dành toàn bộ số tiền được lì xì trong dịp Tết mua khẩu trang, nước rửa tay giúp mọi người phòng, chống dịch bệnh. 

Tinh thần “lá lành đùm lá rách” còn lan tỏa trong các trường học, các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Nhiều trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã nghiên cứu pha chế dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Nhiều doanh nghiệp may mặc đã tạm gác kế hoạch sản xuất, chuyển sang may khẩu trang, bán giá rẻ hoặc phát miễn phí cho người dân. Tất cả nói lên sự liên đới đầy trách nhiệm mà từng cá nhân cần phải có để góp phần mình cho sự sống còn của cộng đồng.  

Gần đây, có không ít lời than vãn sự xuống cấp về mặt đạo đức trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, đất nước mở cửa. Cũng có không ít lời cảnh báo về nguy cơ xói lở tình người khi mà đó đây tội ác gia tăng, tệ nạn xã hội tràn lan, tham nhũng phát triển. Cuộc sống chạy đua theo đồng tiền đã và đang dẫn con người - nhất là lớp trẻ - tới khả năng mà có người gọi tên là “sự liệt kháng tâm hồn”. Cũng không phải ít lần trong mỗi người chúng ta bỗng nổi lên mối băn khoăn, nghi ngại: Người tốt thật khó tìm trong khi ngày càng có nhiều người lạnh lùng, vô cảm, ngoảnh mặt quay lưng trước nỗi đau của đồng loại. Nhưng, những câu chuyện trên đây (cũng như hàng ngàn gương người tốt, việc tốt khác trước đây mà ở đây không thể dẫn ra hết), một lần nữa cho thấy sự tử tế chưa bao giờ cạn; Phần lớn người Việt không chỉ bao dung và vị tha mà còn tốt bụng, giàu tình cảm. 

Họ là những con người bình thường, là nông dân, là công nhân, là người lính, là tu sĩ, là giáo viên, là bác sĩ, là thiếu nhi, là nhà doanh nghiệp… Họ làm việc tử tế như phong cách sống thường ngày: Giúp đỡ xóm giềng làng nước, cưu mang đùm bọc người cơ nhỡ khó khăn, ra tay cứu giúp người bị nạn không chút tính toán, so đo; Chia sẻ cái khổ, cái khó với đồng bào, đồng đội. Họ không hành động để được tuyên dương. Họ làm việc tử tế không phải do phân công, chỉ đạo mà theo tiếng gọi của đạo đức, lương tâm và trên hết là ý thức công dân. Đơn giản, họ sống như đạo lý của cha ông: Thấy việc nghĩa phải làm! Không nghi ngờ gì nữa, điểm hội tụ lớn nhất của những người Việt tử tế này là ở chỗ thực thi tốt trách nhiệm và bổn phận của mình, giàu tính tích cực xã hội với ý thức cộng đồng, ý thức mình vì mọi người sâu sắc. 

Những người làm việc tử tế hôm qua và hôm nay - dù không tuyên bố, nhưng bằng các việc làm của mình đã nêu tấm gương cứu người, giúp đời vô vụ lợi, để bạn và tôi suy ngẫm, học hỏi noi theo. 

Phong trào “người tốt, việc tốt” - cũng có thể nói là “người tử tế, việc tử tế” đã và đang được các ngành, các địa phương duy trì, tôn vinh, suy cho cùng không nhằm bầu chọn được bao nhiêu điển hình, mà làm cho những giá trị được tôn vinh đó trở thành lối sống chủ đạo trong xã hội. Việc cộng đồng mạng truyền tai nhau nhiều hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt trên mọi miền đất nước nhằm đối phó với dịch bệnh do virus Corona xác tín niềm tin mãnh liệt đó!

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.