Thời gian qua, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các loại máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (gọi chung PTBSN) đang được phát triển đa dạng, được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, có thể hoạt động trong các điều kiện môi trường, không gian mà con người khó có thể tiếp cận, giá thành rẻ, chưa được quản lý chặt chẽ… nên PTBSN cũng đang bị lạm dụng, trở thành mối đe dọa uy hiếp an ninh chính trị, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, rủi ro từ nguy cơ uy hiếp an toàn bay trong lĩnh vực hàng không của PTBSN là rất lớn. Thời gian gần đây, đã có một số chuyến bay được cho là có thể đã bị “va chạm” với PTBSN. Cụ thể, chuyến bay số hiệu VJ331 bằng máy bay Airbus A321-271N của Hãng hàng không Vietjet; chuyến bay TW123 bằng máy bay Boeing B737 của Hãng hàng không T’way Air - Hàn Quốc đã gặp sự cố này khi cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất -TP.Hồ Chí Minh.
Trước thực trạng trên, ngày 15/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg “Về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ”. Theo đó, yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” trong quý I năm 2020; tạm thời không cấp phép cho PTBSN hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra.
Thực tế cho thấy, ngày càng xuất hiện nhiều các PTBSN có tính năng kỹ thuật hiện đại, hoạt động tới độ cao từ 100-300 mét. Tổ chức, cá nhân sử dụng PTBSN có tính tự phát (phổ biến là thiết bị flycam) để phục vụ các mục đích vui chơi, thể thao, ghi hình, chụp ảnh từ trên không, nhất là trong các dịp tổ chức các sự kiện, lễ hội. Theo đó, cũng xuất hiện các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh PTBSN khi chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền. Đây là các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP.
Trong dịp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, bắn pháo hoa đón chào năm mới 2020 vừa qua, một số địa phương đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố (cháy, nổ do va chạm điện…) của PTBSN hoạt động gây nên. Đơn cử tại TP.Hồ Chí Minh, lực lượng an ninh đã “bắn hạ” nhiều flycam bằng thiết bị phá sóng vô tuyến CA-18 do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu và chế tạo.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn thu hút du khách; thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động lễ hội có đông người tham gia; có sân bay chuyên dụng; 25 khu vực đã được cắm 60 biển báo “khu vực biên giới biển”… Vì vậy, cần tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý hoạt động PTBSN nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai báo việc sở hữu PTBSN và ký cam kết việc sử dụng theo đúng quy định pháp luật (được Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép mỗi lần); không được bắn, phóng, thả trái phép các PTBSN trong “khu vực biên giới biển”.
Đồng thời, các lực lượng chức năng phối hợp giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về tổ chức bay đối với PTBSN; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm của người sử dụng PTBSN trái quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp quản lý nguồn đầu vào trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất PTBSN; tăng cường công tác quản lý thị trường kinh doanh, mua, bán PTBSN; tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân sử dụng PTBSN hiểu rõ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng loại phương tiện này.
GIA BẢO