Ngành du lịch nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát tại TP. Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) và lây lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình dịch lây lan chưa có dấu hiệu chậm lại, thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc tạm ngừng các hoạt động đưa tour du lịch qua lại giữa hai bên, hầu hết các tỉnh thành trọng điểm du lịch đã tạm ngưng đón khách Trung Quốc để khống chế dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Các tỉnh, thành phố lâu nay đón nhiều khách Trung Quốc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, doanh thu du lịch giảm sút nặng nề. Các công ty lữ hành, ngành khách sạn, vận chuyển, ăn uống, bán hàng lưu niệm… đều cảm nhận rõ tác động từ sự thiếu vắng du khách Trung Quốc - những người rất thích đổ tới đây để vui chơi, nghỉ dưỡng và mua sắm vì có nhiều nét tương đồng.
Du khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến nước ta thời gian qua. Do vậy, theo lời ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh thu du lịch của Việt Nam cho dù hiệu quả khai thác khách Trung Quốc chưa cao do chưa kiểm soát tốt các tour giá rẻ và việc thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt của khách có thể gây thất thu thuế. Ông đưa ra ví dụ: Ở Hạ Long (Quảng Ninh) ngay cả khi khách bình dân với giá thuê phòng 300.000 đồng/ngày đêm thì vẫn bảo đảm thu nhập khá ổn định cho các cơ sở lưu trú, đội ngũ phục vụ, dịch vụ cho thuê xe, thuyền và nhà hàng… Riêng tại cửa khẩu Móng Cái, với nửa triệu du khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh cũng đã đem về nguồn thu 250 tỷ đồng từ phí làm visa; Tiền bán vé tham quan Hạ Long cũng đã đạt khoảng 85 tỷ đồng. “Ngay cả tour 0 đồng nếu quản lý tốt từ khâu hướng dẫn viên đến điểm mua sắm thì gần như không có tác hại với điểm đến mà còn kích thích sản xuất tiêu dùng tại chỗ”, ông Tuấn nói.
Dịch cúm virus Corona gây thiệt hại cho ngành du lịch là điều thấy rõ. Vào lúc này, mới thấy khuyến cáo của nhiều chuyên gia du lịch trước đây là không thừa. Các chuyên gia cho rằng thay đổi cơ cấu khách quốc tế là một trong những việc quan trọng của ngành du lịch. Điều này sẽ giúp ngành tránh bị lệ thuộc, thiệt hại khi thị trường chi phối có biến động.
Dịch cúm do virus Corona gây ra là dịp để ngành du lịch hoạch định và dự báo nguồn khách nhằm chủ động đón tiếp và phục vụ theo từng phân khúc thị trường, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế của toàn ngành.
Thực tế cho thấy để bù đắp lại thị trường khách Trung Quốc, bên cạnh nguồn khách truyền thống như Nga, Hàn Quốc, Malaysia… nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng, Nha Trang đã lên kế hoạch xúc tiến tìm thị trường thay thế từ Ấn Độ, Bắc Mỹ, châu Âu và cả Trung Đông. Tất nhiên cần phải có một thời gian mới có thể bù đắp vào sự sụt giảm khách Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh việc đánh giá lại tình hình, xây dựng phương án mới, cơ cấu lại nguồn khách để ổn định sản xuất kinh doanh, ngành du lịch cần đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách biết môi trường du lịch ở Việt Nam vẫn an toàn trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Tâm lý của du khách các nước khác thường khá e ngại khi đến du lịch tại nơi từng có nhiều khách Trung Quốc đặt chân đến.
Một giải pháp cần thiết nữa là lập chốt ngăn chặn virus Corona tại các điểm du lịch như tỉnh Ninh Bình đang thực hiện. Tại các điểm này, ngành du lịch cử cán bộ theo dõi nắm bắt thông tin về khách du lịch đến từ vùng có dịch; truyền thông khuyến cáo người dân, du khách tự theo dõi, giám sát sức khỏe và kịp thời khai báo với cơ quan y tế nếu có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra.
Ngành du lịch Việt Nam đã từng vượt qua thử thách của đại dịch SARS giai đoạn 2002-2003. Và nay trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, tin chắc “sau cơn mưa, trời lại sáng” đối với ngành du lịch Việt Nam.
NGUYỄN TRIỆU HẢI