Ngăn thảm họa "rừng lặng"

Thứ Bảy, 22/02/2020, 07:08 [GMT+7]
In bài này
.

14 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã vừa gửi thư ngỏ lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị Việt Nam đóng cửa các chợ, các địa điểm buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn. 

Trước đó, Bộ TN-MT cũng đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị tăng cường quản lý ĐVHD và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép. 

Những người quan tâm đến vấn nạn “chảy máu rừng” - bao gồm cây gỗ quý và ĐVHD quý hiếm đã tỏ thái độ đồng tình việc làm trên của Bộ TN-MT và các nhà hoạt động môi trường. Ai cũng biết nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD. Các nhà khoa học đã chắc chắn khẳng định dịch SARS có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc; Dịch MERS từ lạc đà; Chủng virus HIV có nguồn gốc từ linh trưởng châu Phi trong khi virus bệnh viêm não Tây sông Nile thì có trong thịt hàng trăm loại chim…

Một báo cáo y học ước tính có khoảng 3.000 loại virus ký sinh trên động vật và con người mới chỉ nghiên cứu và kiểm soát được khoảng 700 loại. Rất nhiều mầm bệnh vẫn ẩn náu đâu đó trong các loài ĐVHD và sẵn sàng bùng nổ một khi có đủ điều kiện thuận lợi. Vậy nên, mọi người đều cho rằng, đây là dịp để chấm dứt nạn săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến và tiêu thụ ĐVHD, là cơ hội để nhìn lại và thay đổi một hành vi, thói quen kém văn minh dưới tên gọi “thưởng thức đặc sản thịt rừng”. 

Trên đất nước ta, rất nhiều nhà hàng, quán thịt rừng được mở ra để phục vụ cho những ai thích thưởng thức những món ăn độc lạ từ thịt thú rừng. Nhỏ thì uống rượu pha tiết tê tê, lớn chút là ăn thịt nhím, heo, cheo, chồn, dơi, rắn, voọc, lắm tiền nhiều của thì ăn óc khỉ, uống tiết rắn hổ mang chúa, thịt bò tót, tay gấu ngựa. Sự cuồng tín hoang đường rằng sừng tê giác có thể chữa được cả bệnh hiểm nghèo đã khiến cho nhiều “đại gia” Việt Nam lặn lội qua châu Phi để săn bắt hoặc mua đem về để uống hoặc làm quà. Với họ, thế mới là sành điệu, đẳng cấp. Một thú vui ẩm thực trở thành thói trưởng giả, khoe tiền. Họ không nhận thức được rằng thú vui đó đã góp phần dẫn đến điều mà các nhà bảo tồn quốc tế gọi là “rừng lặng” (silent forest), tức là những khu rừng bị săn bắn, tận diệt đến mức tĩnh lặng, không còn tiếng thú, ít tiếng chim. 

Nếu không nhanh chóng ngăn chặn nạn săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD, sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ xuất hiện “rừng lặng”, sẽ trở thành căn bệnh hết thuốc chữa. 

Chủ trương, giải pháp cho việc “nói không với ĐVHD” đều đã có. Các chế tài xử lý hành vi săn bắt, buôn bán, giết mổ ĐVHD cũng đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự 2015, vấn đề là quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn của các lực lượng chức năng và cộng đồng xã hội đến đâu. 

Có lẽ, điều cần làm vào lúc này là tăng cường thực thi pháp luật để hạn chế, tiến đến kiểm soát được tình trạng săn bắn, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ ĐVHD, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm. Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ ĐVHD, cảnh báo về các nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm ĐVHD không rõ nguồn gốc cũng là điều quan trọng. 

Bảo vệ ĐVHD là vấn đề cấp thiết. Tội phạm săn bắt, vận chuyển, buôn bán ĐVHD ngày càng táo tợn, tinh vi, thậm chí còn mang tính chất xuyên quốc gia. Không kịp thời phát hiện, nghiêm trị các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD sẽ không bảo vệ được thiên nhiên. 

Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, của cộng đồng chính là nguồn sức mạnh để ngăn chặn thảm họa “rừng lặng”. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.