Lời thề Hippocrates và đạo đức người thầy thuốc
Mẹ của bạn tôi vừa phải nhập viện cấp cứu do có dấu hiệu suy tim, nguy kịch đến tính mạng. Ngay lập tức sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc cùng lúc nhiều động mạch vành tim và có chỉ định đặt stent để bảo đảm lưu thông máu.
Đối với mọi ca phẫu thuật hay thủ thuật, nguy cơ tai biến đều có thể xảy ra, chưa kể, tuổi và sức khỏe của mẹ bạn đã cao, lại hay đau yếu nên cả nhà bạn tôi vô cùng lo lắng, túc trực ở bệnh viện cho đến khi bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ và thông báo “an toàn”.
Kíp trực khá đông người, tất cả đều nhiệt tình, cởi mở, giải thích cặn kẽ, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân. Vì vậy, bạn tôi quyết định có chút quà cho bác sĩ, chỉ để bày tỏ lòng biết ơn. Vậy nhưng, bác sĩ đã gửi trả lại với lời nhắn gửi rằng, người nhà cũng như bệnh nhân hãy tôn trọng các thầy thuốc, giúp thầy thuốc giữ trọn lời thề Hippocrates.
Thầy thuốc mà tôi vừa nhắc đến, như chính tôi được biết, đã giữ đúng lời thề Hippocrates trong suốt hơn 30 năm hành nghề y của mình và vẫn mong muốn giữ lời thề ấy cho cả chặng đường còn lại. Đó là điều vô cùng đáng trân trọng khi mà ở đâu đó vẫn có những thầy thuốc tìm mọi cách để tư lợi cho mình từ sự đau khổ của người bệnh. Dù rằng, việc nhận “bồi dưỡng” hay “cảm ơn” của bệnh nhân và thân nhân chỉ là một phần nhỏ của đạo đức nghề nghiệp.
Xin được trích dẫn lại lời thề Hippocrates mà mọi sinh viên ngành y đều phải đọc trước khi ra trường:
“Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ.
Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra.
Được mời đến gia đình, mắt tôi không để ý đến mọi sự xảy ra, miệng tôi sẽ giữ kín những bí mật mà người bệnh đã thổ lộ. Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục hoặc tán dương tội ác.
Một lòng tôn trọng và biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu, các thầy những giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được.
Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân”.
Công bằng mà nói, đối với tất cả các ngành nghề đều phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Ở mỗi ngành nghề đều có những quy định riêng về ứng xử, các quy tắc đạo đức mà người làm nghề buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, đối với nghề y lại có đôi chút sự khác biệt về đạo đức nghề nghiệp. Bởi không như những ngành nghề khác, nghề y có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Mọi động thái của thầy thuốc đều ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh và thân nhân của họ. Kể cả là một y lệnh sai do non tay nghề, hay một bất cẩn trong phòng dịch cũng đã gây thảm họa, làm mất đi cơ hội sống của bệnh nhân.
Cách đây khoảng chục năm, một bác sĩ đứng đầu bệnh viện của tỉnh đã chia sẻ với tôi rằng, không phải ai cũng “được chọn” để hành nghề y. Người “được chọn” ấy phải có những phẩm chất đặc biệt, để có thể giữ được lời thề Hippocrates. Mỗi thầy thuốc khi đã chọn nghề y, phải biết hy sinh những riêng tư của mình để chu toàn với công việc, một công việc với áp lực cao buộc thầy thuốc phải khỏe cả về tinh thần lẫn thể xác. Ở thời điểm ấy, vị bác sĩ này đã nói rằng, nếu ai đó chỉ nghĩ đến “kim tiền” thì khó lòng hành nghề cho chuẩn mực.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thầy thuốc vĩ đại của nền y học cổ truyền Việt Nam đã truyền dạy về y đức: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”.
Với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người thầy thuốc chân chính cần có tám chữ: Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần (biết quan tâm đến người khác, sáng suốt, đức độ, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó). Thầy thuốc thì không được phạm tám tội: “Lười, keo, tham, dối, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức”. Ông thường răn dạy học trò: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”. Theo ông, sau khi xác nhận nghề y là một nghề “Nhân đức”, người thầy thuốc luôn luôn phải suy nghĩ về bốn chữ “Từ, Tế, Hoạt, Nhân” hằng ngày bồi đắp “Tám chữ xây” và chống lại “Tám tội”. Được như vậy mới khỏi thẹn với hai chữ “Nhân thuật”.
ĐỨC MINH