Loại bỏ virus "trì trệ"

Thứ Hai, 24/02/2020, 21:32 [GMT+7]
In bài này
.

Bạn tôi vừa quyết định tham gia một nhóm có tên khá lạ: “Cùng 4:30 sáng tạo thói quen tốt”. Nhóm có đến hơn 20 ngàn thành viên, chia sẻ, giao lưu trên mạng xã hội và nhằm một mục đích lành mạnh là dậy sớm, thực hiện những việc nhỏ nhưng hữu ích: đọc sách, tập luyện thể dục, thể thao hoặc làm những việc ưa thích trong khả năng… Là một nhóm trên cộng đồng mạng, nhưng những phần thưởng khi thành viên đạt được thành tích “vượt qua chính mình” lại có thực, bằng những cuốn sách thú vị, bổ ích.

Một việc rất đơn giản, mỗi thành viên của nhóm tuân thủ nội quy “ngủ đủ, dậy sớm, tạo thói quen tốt”. Đúng 4 giờ 30 sáng, mỗi thành viên dựa trên điều kiện sẵn có của mình về thể chất, phương tiện, sở thích để thực hiện hoạt động thể lực, rèn luyện sức khỏe. Có thể là chạy bộ, bơi, leo núi, đạp xe, tập gym, yoga hay bất cứ hoạt động thể lực phù hợp nào. Cứ như thế, mỗi thành viên được khuyến khích duy trì mỗi ngày, vượt qua “chính mình” mỗi ngày bằng việc dậy sớm tập thể dục và dần dần là những hoạt động khác bên cạnh thói quen tốt ấy như dành 30 phút để đọc sách, nghiên cứu tài liệu… 

Là vì dậy sớm, nên bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thực hiện những sở thích của mình, kể cả là việc chăm sóc vườn tược, vật nuôi; chăm sóc ngay chính bản thân bạn, làm giàu thêm vốn kiến thức hoặc biết thêm nhiều điều mới, trải nghiệm những gì mình từng ước muốn nhưng vì… quá bận, không có đủ thời gian. Cũng từ thay đổi thói quen theo hướng tích cực ấy, mỗi người sẽ dần có thái độ tốt, trách nhiệm hơn với mỗi việc mình làm, có kỷ luật cao hơn trong mỗi công việc mà mình đảm nhiệm. 

Trên thực tế, một cuộc khảo sát chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, hầu hết người trẻ của chúng ta còn lười vận động, ưa “ngủ nướng”, trong khi đó, đa phần người dậy sớm, chăm chỉ rèn luyện sức khỏe lại là người trung, cao tuổi, đã nghỉ hưu. Chính từ sức ỳ này đã tạo thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày khi trưởng thành của lớp trẻ, bị sự trì trệ níu kéo. 

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “ví von” trong cuộc họp của Chính phủ khi đề cập đến sức ỳ trong đội ngũ công chức, viên chức mà nếu không chấn chỉnh sẽ làm phương hại không nhỏ đến sự phát triển của đất nước: Chúng ta phải chống cả một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, bê trễ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt vấn đề xóa bỏ ngay thứ “văn hóa không nhúc nhích”, văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức. 

Thiết nghĩ, bất cứ ai, khi làm việc gì, cho chính bản thân mình, hay cho tập thể cũng đều đòi hỏi phải có tính tự giác, không đợi nhắc việc và làm đến nơi, đến chốn, có trách nhiệm cao. Thói quen ấy phải được rèn giũa ngay từ nhỏ và phải được duy trì để trở thành “phản xạ có điều kiện” ở mỗi người. Những phản xạ mang tính tự giác ấy phải được xây đắp thành văn hóa trong lối sống thường nhật của mỗi công dân, không cứ gì là công chức, viên chức.  

TRUNG HIẾU

;
.