Không phải chuyện bị thu gom, găm hàng, bán giá trên trời dẫn đến “vỡ trận”. Không phải chuyện các nhà thuốc lên mạng kêu gọi nhau ngừng nhập và bán khẩu trang khiến cộng đồng mạng nổi giận. Cũng không phải chuyện khẩu trang bị thu gom với số lượng lớn để xuất bán ra nước ngoài. Chuyện đáng bàn, đáng báo động ở đây là tình trạng rác khẩu trang bị vứt bừa bãi khắp nơi sau khi được sử dụng, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho con người.
Một nhận định của Bộ TN-MT khiến người ta phải lo lắng: Mỗi ngày có hàng triệu khẩu trang thải bỏ ra môi trường. Từ cổng bệnh viện, nhà ga, bến xe đến vỉa hè, nắp cống, ghế đá công viên, ở đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp rác khẩu trang. Rác khẩu trang bị vứt bỏ lung tung đến mức Bộ TN-MT phải có có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thu gom, xử lý khẩu trang thải bỏ, còn Bộ Y tế thì không ngừng nhắc nhở, khuyến cáo, rằng hành vi vứt khẩu trang bừa bãi ra vỉa hè, đường phố,… có thể sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 7 triệu đồng theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Không ít người thản nhiên vứt bỏ cái khẩu trang đã qua sử dụng vì cho rằng nó bình thường cũng như bao loại rác thải khác. Họ không nhận thức được rằng ngoài việc gây mất mỹ quan đô thị, rác khẩu trang có nguy cơ gây lây nhiễm bệnh vì có thể còn chứa những loại virus của người bệnh, có thể dẫn đến sự lây nhiễm chéo cho những người thu gom rác.
Thật nghịch lý - nếu không muốn nói là bi hài khi những người này hối hả tìm mua khẩu trang - thậm chí mua với giá đắt để bảo vệ mình trước dịch COVID-19, nhưng khi sử dụng xong thì lại vứt bỏ lung tung, một việc làm có thể gây nguy hại cho cộng đồng, trong đó có bản thân họ.
Đáng sợ hơn nữa khi tuần trước, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra cảnh báo hiện đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm để thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để “tái chế”, sau đó rao bán trên mạng, gây nên những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Việc cả Bộ Công thương và TN-MT cùng một lúc đưa ra khuyến cáo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để tái sử dụng nhằm trục lợi bất chính cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 diễn biến phức tạp, cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi giúp người dân nhận thức hành vi vứt rác khẩu trang ra môi trường là phạm luật, sẽ bị phạt nặng. Vào lúc này, các biện pháp chế tài được tiến hành nghiêm túc sẽ có tác dụng răn đe rất lớn, khiến nhiều người sẽ “giật mình”, không dám vứt bỏ rác khẩu trang tùy tiện ra môi trường. Một việc không kém phần quan trọng là khẩu trang y tế phải được coi như chất thải lây nhiễm y tế, được xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế. Trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, những công nhân vệ sinh phải đeo găng tay, khẩu trang y tế, có dụng cụ để gắp cho vào túi kín trước khi đưa đi xử lý an toàn. Đối với khẩu trang ở những khu vực có dịch, tốt nhất là cho vào lò đốt và thực hiện xử lý theo quy trình của ngành y tế.
Vì sự an toàn của chính bản thân và cộng đồng, ngoài việc đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên để phòng ngừa dịch COVID-19 thì mỗi người cần có ý thức bỏ khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định, không vứt bỏ tùy tiện tránh gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.
NGUYỄN HƯNG NHƠN