Đang say giấc nồng, tôi bị đánh thức bởi cuộc điện thoại từ một người cậu: “Dậy luộc trứng gà cho cả nhà ăn ngay. Mỗi người một quả, ăn trước 0 giờ ngày 7/2 sẽ tránh được virus Corona. Cậu giải thích sau”. Nghe phi lý, tôi hỏi rõ ngọn ngành, cậu bảo do một người nhà ngoài quê điện vào thông báo rằng đứa cháu vừa sinh ra đã nói với các bác sĩ như vậy.
Chuyện được cậu thông báo trên nhóm Zalo gia đình với thái độ nghiêm túc. Tôi không tin câu chuyện hoang đường này nên… ngủ tiếp. Vài phút sau, một người dì lại gọi điện hối thúc với nội dung tương tự. Mở Zalo của nhóm xem thì thấy nhiều thành viên khoe đã kịp… luộc trứng ăn trước 0 giờ. Một số người tỏ vẻ tin tuyệt đối, một số người bán tín bán nghi nhưng vẫn làm theo vì “Ăn trứng gà không bổ ngang cũng bổ dọc”.
Sáng sớm hôm sau, cậu đã nhắn tin lên nhóm xin lỗi vì đó là thông tin giả, do ai đó bịa đặt trên mạng xã hội nhằm mục đích câu like. Được biết, người tung tin giả này đang sinh sống tại tỉnh Vĩnh Phúc và đã bị công an triệu tập để làm rõ động cơ.
Trong bối cảnh dịch bệnh Corona đang hoành hành ở Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam không nắm đầy đủ thông tin đã tỏ ra hoang mang trước dịch bệnh. Lợi dụng tâm lý này, nhiều đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt nhằm câu like, thu hút sự chú ý, thậm chí là để bán hàng, thu lời bất chính. Thông tin từ Bộ Công an, tính đến ngày 5/2, cả nước có 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh Corona đã bị triệu tập, xử lý. Ngoài ra, 41 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện sẽ bị xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Trong số những người tung tin đồn thất thiệt có cả những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên. Điều nguy hiểm ở chỗ, thông tin thất thiệt từ những ca sĩ, diễn viên này có tác động tiêu cực đến công chúng, bởi họ có nhiều người hâm mộ, lượng người theo dõi trên mạng xã hội rất lớn.
Thực tế, con số người tung tin giả về dịch bệnh Corona bị công an mời lên làm việc và xử phạt còn lớn hơn nhiều lần so với số người bị nhiễm virus Corona tại Việt Nam. Tính đến 17 giờ ngày 7/2, Việt Nam có 12 ca nhiễm, trong đó có 9 người Việt, 1 người Việt quốc tịch Mỹ và 2 người Trung Quốc. Trong số này, 3 người đã khỏi bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất tác động của nó tại Việt Nam. Các thông tin về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng, tránh dịch cũng đã được cập nhật đầy đủ, chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, mạng Zalo của Bộ Y tế. Vậy nhưng, một bộ phận người dân do chưa nắm đầy đủ thông tin đã tỏ ra hoang mang, lo lắng, đổ xô đi mua các sản phẩm, vật dụng để phòng dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn… Điều này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng, bị nâng giá - đặc biệt là khẩu trang - tại nhiều địa phương trong cả nước.
Việc khan hiếm khẩu trang y tế những ngày qua chủ yếu là do các DN nghỉ Tết Canh Tý, chưa kịp sản xuất cung ứng cho thị trường. Làm một phép tính đơn giản: Mỗi hộp khẩu trang thường có 100 chiếc. Một gia đình 4 người, nếu mỗi ngày mỗi người dùng 1 chiếc thì cũng phải đến 25 ngày mới hết 1 hộp. Đáng tiếc, nhiều người đã đổ xô đi mua với số lượng nhiều để tích trữ, cùng với một số người mua gom để bán lại với giá cao hơn nhằm thu lợi bất chính đã khiến cho thị trường khan hiếm khẩu trang. Tình trạng này là nhất thời, bởi lẽ các DN đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết và nguồn cung sẽ dồi dào trở lại trong thời gian ngắn. Đó là chưa kể các loại khẩu trang thông thường cũng có thể phòng được dịch bệnh lây lan.
Tin tưởng rằng, những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả. Việt Nam sẽ sớm kiểm soát và ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Điều quan trọng là người dân phải tỉnh táo, thực hiện đúng và đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “Không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không gây hoang mang” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Chính phủ về chống dịch Corona ngày 4/2.