Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Nếu không có gì thay đổi, từ 30/4/2020, tuyến phà biển đầu tiên từ Cần Giờ đi Vũng Tàu sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các điều kiện cần thiết chuẩn bị cho tuyến phà vận hành thông suốt đã hoàn tất, trong đó thuận lợi lớn nhất để hình thành tuyến là bến Tắc Suất phía Cần Giờ và bến cảng đường thủy nội địa phía Vũng Tàu đã có sẵn, có thể đưa vào khai thác ngay.
Phà chạy tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô/xe tải, tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt/ngày. Cự ly vận chuyển khoảng 15km (một chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút.
Nếu như trước đây, người dân và du khách đi từ TP. Vũng Tàu đến Cần Giờ bằng ô tô phải mất từ 4-5 giờ đồng hồ thì nay chỉ mất khoảng 30 phút qua phà biển Cần Giờ. Trong khi đó, người dân từ các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang muốn ra Vũng Tàu có thể đến huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc (thời gian khoảng 30 phút), đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất. Sau đó, tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến TP. Vũng Tàu.
Những con số vừa được trích dẫn nói lên hiệu quả của tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Và không chỉ có vậy, lợi ích của tuyến phà biển này còn ở chỗ tới đây, người dân TP. Hồ Chí Minh, BR-VT và các tỉnh, thành trong khu vực có thêm sự lựa chọn trong việc đi lại. Đó là loại hình giao thông đường thủy. Mặt khác, nó góp phần “giải cứu” cho Quốc lộ 51 đang ở trong tình trạng quá tải trong bối cảnh dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa được triển khai.
Nhiều năm qua, nạn kẹt xe thường xuyên trên Quốc lộ 51 đã gây nên một lực cản đáng lo ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT - đặc biệt là việc thu hút hàng hóa vào cảng Cái Mép - Thị Vải. Vấn nạn này còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch BR-VT, là nỗi ám ảnh đối với những người đi du lịch cuối tuần trở về nhà.
“Đèn Cần Giờ đêm đêm sáng tỏ/Ghe lớn ghe nhỏ nhìn thấy rõ mà vào…”, câu ca dao gợi nhớ về những chuyến ghe thương hồ qua lại giữa Vũng Tàu - Cần Giờ gần một thế kỷ trước, mua bán đổi chác đủ thứ sản vật của BR-VT với dân cư vùng Vàm Láng (Gò Công), Cần Thạnh (Cần Giờ). Giờ đây, với sự xuất hiện của tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, hoạt động giao thương hai bờ sẽ được nối lại. Theo lời ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP - đơn vị đang vận hành tuyến tàu cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, khá nhiều người giữa hai địa phương khi mua vé có nhu cầu mang thêm xe máy hoặc gà, vịt, hải sản… nhằm trao đổi qua lại. Tuy nhiên, do tàu cao tốc là những tàu du lịch nên các trường hợp này đều phải từ chối.
Những người đam mê du lịch còn nhìn ra một lợi ích khác của tuyến phà biển này: Góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của huyện Cần Giờ bấy lâu bị ngủ quên. Ngồi trên phà, họ có thể ngắm cảnh dọc hai bên đường Rừng Sác, Vàm Sát… Dân “phượt” ở Vũng Tàu có thể mang xe máy lên phà, thỏa thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ Cần Giờ.
Để tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu hoạt động có hiệu quả đòi hỏi sự kết nối đồng bộ với tuyến phà Cần Giuộc - Cần Giờ, với giao thông đường bộ từ lịch trình chạy đến bến bãi, tạo ra một hệ thống khép kín, thuận tiện để thu hút người dân chọn đường thủy làm lộ trình ưu tiên. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh “lọt” qua nhiều khâu đánh giá năng lực đấu thầu do Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh tổ chức, cho phép chúng ta tin rằng tuyến phà biển Cần Giuộc - Cần Giờ sẽ vận hành thông suốt, hứa hẹn sẽ giảm kẹt xe cho giao thông đường bộ và khai thác tối đa tiềm năng giao thông đường thủy nội vùng.
NGUYỄN TRIỆU HẢI