Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (PCTHRB) số 44/2019/QH14 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Luật có 7 Chương, 36 Điều quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động PCTHRB; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTHRB.
Rượu, bia là các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và có nguy cơ gây ra các vấn đề xã hội khác. Các hậu quả của rượu, bia có thể xuất hiện ngay sau khi sử dụng, như: tham gia giao thông, vận hành máy móc có thể gây tai nạn; trong thời gian làm việc gây mất tập trung, mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng, năng suất lao động; ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi nên dễ gây bạo lực, tội phạm; phụ nữ mang thai, trẻ em, người mắc bệnh lý uống rượu, bia sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe...
Luật PCTHRB quy định có 13 hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), trong đó, đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa. Hành vi này cũng sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài mạnh hơn. Theo Nghị định số 100/NĐ-CP (thay thế Nghị định 46/NĐ-CP) quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng có hiệu lực từ 1/1/2020, đã tăng mức xử phạt đối với xe ô tô tối đa từ 16-18 triệu đồng của Nghị định 46/NĐ-CP lên mức 30-40 triệu đồng; xe máy tối đa từ 3-4 triệu đồng lên mức 6-8 triệu đồng; đối với người đi xe đạp, theo Nghị định 46/NĐ-CP không bị xử phạt hành vi này thì nay cũng sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng.
Ngoài ra, Luật PCTHRB cũng nghiêm cấm hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe… Đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, cơ sở y tế…
Hiện nay, rượu, bia là 2 sản phẩm chiếm đến gần 99% thị phần đồ uống có chứa cồn tại Việt Nam. Việc sử dụng rượu, bia không đúng cách, thường xuyên còn có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm dụng rượu, bia gây nên các hệ lụy nghiêm trọng như bệnh tật, tai nạn, tử vong và các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Do đó, tác hại của rượu, bia phải được nhận diện một cách đầy đủ, việc phòng, chống phải bao gồm cả tác hại của việc sử dụng rượu, bia và tác hại của việc lạm dụng rượu, bia.
Với ý nghĩa trên, thiết nghĩ, để việc thi hành Luật PCTHRB đi vào đời sống thực tiễn và đạt hiệu quả cao, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể, như: Quy định thêm các địa điểm công cộng không uống rượu, bia (ngoài các địa điểm đã được quy định tại Điều 10 của Luật PCTHRB). Quy định hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình. Quy định biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử…
Mặt khác, ngoài việc tuyên truyền tác hại của rượu, bia; vận động mọi người không lạm dụng rượu, bia và các biện pháp PCTHRB thì cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu, bia trong cộng đồng; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia. Đối với người thường xuyên sử dụng rượu, bia cần điều chỉnh hành vi này một cách có kiểm soát, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, không để rơi vào tình trạng lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Về phía gia đình, phải có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia và khuyên nhủ các thành viên khác hạn chế uống rượu, bia; các thành viên trong gia đình hướng dẫn cho nhau kỹ năng từ chối uống rượu, bia.
GIA BẢO