Chế tài hành vi hành hạ vật nuôi

Thứ Năm, 16/01/2020, 19:55 [GMT+7]
In bài này
.

Gửi email và clip đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, một bạn đọc nữ tỏ ra bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng xác minh để xử lý một trường hợp hành hạ súc vật. Trong clip cho thấy, một người đàn ông chạy xe máy biển số 72L7-24… cầm dây lôi kéo một con chó trên đường ở TP.Vũng Tàu vào sáng ngày 2/1 vừa qua. Con chó ban đầu cố chạy theo xe máy, nhưng sau đó đuối sức và để mặc người đàn ông kéo lê bụng trên đường nhựa, khiến con vật kêu la trong đau đớn, lòi xương và chảy nhiều máu bê bết kéo dài trên mặt đường. 

Theo tác giả clip cho biết, có tới để ngăn cản hành vi độc ác trên để giải cứu cho con chó, thì bị người đàn ông dọa đánh và nói đó là con chó của mình, không mắc mớ gì can thiệp. Khi clip này được bạn đọc nữ đăng lên facebook, nhiều cư dân mạng vào bình luận với lời lẽ phẫn nộ, lên án hành vi của người đàn ông đã hành hạ con chó tội nghiệp.

Từ lâu, chó, mèo, chim hay một số con vật khác đã được thuần hóa từ thiên nhiên trở thành vật nuôi trong nhà của con người. Việc nuôi chó không chỉ nhằm mục đích để giữ nhà, nuôi mèo không phải chỉ để bắt chuột, nuôi chim không chỉ để nghe tiếng hót, mà rất nhiều người quý mến những con vật này như “bạn thân”. Vì vậy, chó, mèo, chim hay vật nuôi khác được nhiều chủ nuôi chăm sóc như là “thành viên” trong gia đình, đối xử nhân đạo, không ngược đãi, đánh đập.

Theo các chuyên gia tâm lý và tội phạm học, những người có hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập động vật thường có cá tính bạo lực, xu hướng phạm tội cao. Đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu niên, khi còn nhỏ đã thể hiện hành vi bạo hành với động vật, thì khả năng khi lớn trở thành những người hay gây gỗ, đánh nhau, thậm chí giết người... nhiều hơn gấp 5 lần người bình thường. Thực tế cho thấy, những câu chuyện án mạng đã xảy ra, khi các nhà điều tra tội phạm xem xét khía cạnh nhân thân. Tính cách lúc nhỏ của người gây án đã chứng minh cho nhận định này.

Hiện nay, nhiều nước phát triển đã quy định chế tài các hành vi liên quan tới vật nuôi, như: Tại thành phố New York - Mỹ, nếu trộm chó, làm hại, vận chuyển trái phép chó nhằm mục đích giết hoặc bán có thể bị phạt 1.000USD và mức tù giam tối đa 6 tháng. Tại thành phố Tu Rin - Ý thì hành vi hành hạ và bỏ rơi vật nuôi có thể chịu mức hình phạt lên đến 1.000USD, phạt tù tối đa 1 năm. Ở Thái Lan, hành vi hành hạ chó có thể bị phạt tiền cùng với phạt tù giam… 

Tại Việt Nam, pháp luật đã quy định về việc không được hành hạ vật nuôi. Cụ thể, tại Điều 2 Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nêu rõ vật nuôi bao gồm: gia súc là các loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi; gia cầm là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi; những động vật khác trong chăn nuôi. Tại các Điều 69, 70, 71 và 72 đều quy định tổ chức, cá nhân phải đối xử nhân đạo với vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. 

Tuy nhiên, các quy định trên hiện chỉ mang tính nhân văn, có tính chất tuyên truyền là chủ yếu. Bởi, không giải thích rõ điều luật, không đưa ra biện pháp chế tài xử lý. Do đó, trong thời gian tới, pháp luật cần phải có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, đưa ra các hình thức xử phạt tương ứng với hành vi đối xử độc ác với gia súc, gia cầm; đánh đập, hành hạ vật nuôi để có cơ sở pháp lý xử lý hành vi vi phạm.

GIA BẢO

 

;
.