Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ năm 2020, ngành Y tế sẽ đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân. Theo đó, EHR là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Đây là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử thông qua kết nối của Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia, mang lại lợi ích nhiều mặt.
Đối với người dân, EHR giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua EHR, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
Đối với người thầy thuốc, EHR cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Từ đó, kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm để mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến y tế thông qua kết nối của Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia, sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Ngoài ra, EHR còn giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình.
Đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, việc triển khai EHR giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh, có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám, chữa bệnh của người dân thông suốt, minh bạch, sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có; ngăn ngừa tình trạng trục lợi quỹ BHYT.
Theo lộ trình đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai EHR có tối thiểu 80% người dân được xác lập EHR; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế địa phương và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia. Đến năm 2025, có 95% người dân trên toàn quốc được xác lập EHR, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc triển khai EHR được xem là bước đột phá của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, quản lý tiền sử bệnh trạng phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân được tốt hơn. Vì vậy, mỗi người dân cần có có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương trong việc xác lập EHR cho chính bản thân mình. Qua đó, góp phần cùng ngành Y tế chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, hiện đại hóa quy trình khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
NHỰT THANH