Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định, Thông tư có liên quan cũng như những quy định về thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tới các cơ sở, chủ dự án và người dân. Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, Sở TN-MT đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt ĐTM cho 152 cơ sở, dự án. Theo quy định, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ thực hiện công tác phối hợp với Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN trong việc tiếp nhận các ĐTM đã được phê duyệt của các cơ sở, dự án để theo dõi, giám sát.
Mới đây qua đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, hiện nay hầu hết các cơ sở, dự án trước khi đi vào hoạt động đều có báo cáo ĐTM (tùy theo quy mô, tính chất của dự án mà thẩm quyền thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc Bộ TN-MT hoặc UBND tỉnh). Tuy nhiên, công tác hậu kiểm đối với các cơ sở, dự án sau khi được phê duyệt ĐTM thực hiện còn chưa nhiều. Ngoại trừ 69 dự án mới được phê duyệt gần đây chưa triển khai xây dựng, đối với 83 dự án còn lại, các cơ quan chức năng mới tổ chức thanh tra, kiểm tra được 28 cơ sở. Do đó trong trường hợp chưa được kiểm tra thì việc thay đổi công suất, quy mô, công nghệ nếu chủ dự án không chủ động báo cáo thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng khó nắm bắt thông tin để đánh giá có thực hiện đúng ĐTM đã được phê duyệt không.
Chính vì chưa có sự kiểm tra nêu trên mà trong thời gian qua, qua kiểm toán tại Sở TN-MT của Kiểm toán Nhà nước khu vực XVIII đối với việc quản lý và sử dụng đất đai giai đoạn 2014-2016 trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số dự án thuộc đối tượng phải lập ĐTM nhưng đã không thực hiện theo quy định và dự án chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ. Từ việc chưa sâu sát, chặt chẽ rất dễ dẫn đến việc tham mưu UBND tỉnh khi xử lý các cơ sở, dự án vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường sẽ chưa kịp thời.
Bên cạnh việc thiếu hậu kiểm đối với các cơ sở, dự án về ĐTM của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của một số chủ cơ sở chưa cao. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư xem việc thực hiện thủ tục ĐTM chỉ là điều kiện để thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Bằng chứng là trong 152 ĐTM được phê duyệt, hiện còn 48 cơ sở, dự án không thực hiện báo cáo môi trường định kỳ theo quy định.
Từ thực tế trên cho thấy, để công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn trong thời gian tới cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở, dự án đã được phê duyệt ĐTM cũng như các cơ sở, dự án theo quy định phải có ĐTM nhưng đến nay chưa thực hiện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc theo dõi, giám sát, phát hiện các vụ việc vi phạm về môi trường cũng như công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với Sở TN-MT trong việc rà soát, quản lý các cơ sở, dự án tại địa phương theo quy định phải lập ĐTM.
PHÚC MINH