Giám đốc một DN kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh phản ánh, chi phí logistics trong vận chuyển các loại rau củ quả, thực phẩm quá cao khiến cho giá bán đến tay người tiêu dùng đội lên gấp đôi, gấp ba lần so với mua tại vườn. Lấy ví dụ với sản phẩm cam sành tại huyện Xuyên Mộc chỉ 20-25.000 đồng/kg nhưng khi về tới TP. Vũng Tàu bán tại các chợ giá đã tăng gấp đôi, tức 40-50.000 đồng/kg. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số sản phẩm nông sản khác khi vận chuyển từ Đà Lạt về. Nghịch lý phí vận chuyển gần ngang bằng với giá nông sản khiến nhà sản xuất đau đầu, làm giảm đi sức cạnh tranh của nông sản trong nước so với nhập khẩu.
Tại diễn đàn logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Nâng cao giá trị nông sản” mới đây cho thấy, có nhiều bất cập của logistics ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và thương mại nông sản. Đó là dịch vụ logistics đảm nhiệm việc đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển nông sản từ ruộng của hộ nông dân đến kho HTX và DN cũng như xuất khẩu ra thế giới. Trong đó, điểm nổi cộm là chi phí logistics còn chưa hiệu quả, hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh (cold chain) và sự thiếu liên kết trong hệ thống thông tin thị trường. Theo thống kê của Bộ Công thương, riêng chi phí vận tải quốc tế cho 1kg thanh long sang Mỹ vào khoảng 3,5 USD/1kg, chưa tính chi phí chiếu xạ tùy loại trái cây dao động trong khoảng từ 0,5 - 1 USD/kg (chưa tính chi phí vận tải nội địa). Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/1 kg thì riêng chi phí logistics vận tải trong nước đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu. Các loại phí kiểm tra chuyên ngành cũng khá cao. Ví dụ, phí giám định, kiểm vi sinh đối với hàng cà phê khoảng 30 USD/container, hạt điều khoảng 300 - 350 USD/container. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng khá lâu, từ 1-2 ngày, làm phát sinh chi phí giám sát, lưu container, lưu bãi từ đó tăng chi phí logistics.
Trong khi đó, hiện nay mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp, năng lực vận chuyển, lưu kho còn hạn chế nên tỷ lệ tổn thất nông sản trong khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển còn cao đã làm giảm giá trị nông sản. Ngay cả những chuỗi liên kết nông sản đã được xây dựng thì vẫn còn lỏng lẻo do thiếu liên kết từng mắt xích. Ngoài ra, các DN logistics trong nước phần lớn là DNNVV, chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi dịch vụ logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Đó là chưa kể, các trung tâm logistics hiện còn phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối.
Logistics phục vụ hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Từ thực tế này, muốn tăng giá trị hàng hóa nông sản cần phải khơi thông dòng chảy logistics. Trong đó, việc ưu tiên đầu tư hạ tầng cho logictics nông sản như chuỗi kho lạnh (kho lạnh, xe vận chuyển lạnh), cải thiện kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và phát triển đường hàng không, lập các trung tâm chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm để rút ngắn thời gian của các khâu này là hết sức cần thiết.
NGÔ GIA