Tăng lương, tăng thêm phụ cấp, hỗ trợ nơi ăn chốn ở… để giữ chân người lao động (NLĐ), ổn định nhân lực là chuyện thời sự sau Tết ở nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay.
Số là mấy năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công nhân về quê đón năm mới với gia đình rồi chưa trở lại với công việc, hoặc nghỉ việc luôn không đi làm lại. Tình trạng này khiến nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù cấp tập thông báo tuyển dụng NLĐ với số lượng lớn, các DN vẫn không tuyển đủ số lao động cần tìm. Để giữ chân NLĐ sau Tết, các DN đã cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, thực sự chăm lo thiết thực tới công nhân lao động. Ngoài lương, thưởng và quà cho NLĐ, công ty còn có xe đưa về quê và đón sau kỳ nghỉ Tết. Chính vì vậy mà Tết năm rồi, số công nhân “nhảy việc” giảm mạnh, tỷ lệ quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt gần 100%.
Tại BR-VT, mỗi công ty, đơn vị tùy hoàn cảnh và những nỗ lực riêng mà có những cách ứng biến khác nhau với mong muốn giữ được NLĐ ở lại với mình. Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt, Công ty TNHH MTV Giấy Sài Gòn-Mỹ Xuân, Công ty Posco Việt Nam, Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam, Nhà máy Đạm Phú Mỹ… “Sự chăm lo tốt của DN đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định của DN và NLĐ” - ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh khẳng định.
“Mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý những NLĐ xuất sắc được bình chọn đều được công ty khen thưởng với nhiều phần thưởng xứng đáng. Đây là cách DN khuyến khích tài năng của NLĐ trong quá trình làm việc”- Ông Lê Đình Huy, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Baconco (KCN Phú Mỹ 1, TX.Phú Mỹ) chia sẻ.
Có đặt mình vào vị trí giám đốc, chủ DN trong thời buổi hiện nay mới thấy quyết định tăng lương, tăng thêm trợ cấp cho NLĐ là một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các DN. Trước vô vàn khó khăn, để có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tăng lương, tăng phụ cấp đồng nghĩa với việc kinh doanh phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí có khi phải gồng mình bù lỗ để duy trì lực lượng lao động. Đứng ở góc độ NLĐ, việc tăng lương 10%/ tháng xem ra cũng chẳng “thấm béo” vào đâu so với tình hình giá cả hiện nay, nhưng nếu đứng ở góc độ của DN thì đây là một nỗ lực rất lớn. Thử hình dung một công ty sản xuất quy mô trung bình, có khoảng vài trăm công nhân - chỉ cần tăng lương bình quân 100 ngàn đồng/người/tháng thì chi phí đầu vào đã đội lên đáng kể. Và đây chính là “cửa ải” khó vượt qua của không ít DN, nhất là những công ty có hàng ngàn công nhân, khiến họ rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm, đành bất lực để công nhân bỏ về quê do đồng lương không đủ sống hoặc bỏ sang công ty khác có mức thu nhập khá hơn.
Lao động là một loại hàng hóa đặc biệt. DN muốn có hàng hóa tốt phải có chính sách tốt đi kèm. Một DN đối xử không có trước có sau với NLĐ thì không thể hy vọng NLĐ đồng cam cộng khổ với mình để vượt qua khó khăn chung. Sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi trước mắt để chia sẻ nỗi lo cơm áo với NLĐ không chỉ là cách để các DN thể hiện trách nhiệm với cộng đồng mà còn chứng tỏ sự đầu tư bài bản, bền vững của DN. Chính cách ứng xử “khôn ngoan”, hợp lý hợp tình và kịp thời này đã thôi thúc, động viên công nhân “chung lưng, đấu cật” phục vụ DN, góp phần làm cho sợi dây gắn kết giữa NLĐ và DN thêm bền chặt, giúp DN hạn chế được sự xáo trộn nguồn nhân lực và có điều kiện để bứt phá.
NGUYỄN TRIỆU HẢI