Giá thịt heo trong nước tăng cao chưa từng có trong thời gian qua cùng với dự báo của Bộ NN-PTNT rằng nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn - tương đương 2 triệu con heo xuất chuồng, khiến cho người tiêu dùng lo ngại bữa ăn ngày Tết của nhiều gia đình sẽ thưa vắng những món từ thịt heo. Dù thế nào, các món từ thịt heo vẫn là thực phẩm truyền thống không thể thay thế đối với nhiều gia đình Việt Nam.
Câu chuyện “thiếu thịt heo” chiếm một thời lượng không nhỏ của phiên họp thường kỳ của Chính phủ nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 11 vừa qua. Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng kiểm soát giá thịt heo, chuẩn bị đủ nguồn cung phục vụ Tết.
Trước đó, vào tháng 5/2019, trước tình hình dịch tả heo châu Phi bùng phát, xấp xỉ 6 triệu con heo phải tiêu hủy vì dịch, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo trong nước, 2 Bộ Công thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã họp bất thường nhằm cân đối cung cầu dịp cuối năm 2019, trong đó thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo là một trong các giải pháp được 2 bộ tính đến để bảo đảm ổn định thị trường. Thế nhưng, theo nhận định việc cấp đông sản phẩm thịt heo trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính; Khả năng cấp đông của các DN thu mua, giết mổ và chế biến trong nước cũng còn hạn chế.
Hai bộ cũng thống nhất cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ các nước có hiệp định thương mại song phương với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá heo. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là cần ngăn chặn việc đưa heo sang thị trường khác như Trung Quốc, cũng như ngăn chặn lượng heo nhập khẩu lậu từ Thái Lan qua Campuchia, mang theo nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm và mầm bệnh vào trong nước.
“Bộ Công thương luôn coi thịt heo là một trong những mặt hàng thiết yếu cần phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá cả, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy, chúng tôi luôn theo dõi sát thị trường, việc cung - cầu mặt hàng thịt heo nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những đề xuất, tham mưu phù hợp để ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”. Lời trấn an của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dầu vậy vẫn chưa khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi mà sức nóng của thị trường thịt heo chưa có dấu hiệu giảm. Theo dự báo giá thịt heo có thể còn tăng sốc trong dịp Tết sắp tới.
Những năm gần đây, việc phát triển đàn heo trong cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có lúc tăng trưởng quá “nóng”, cung liên tục vượt cầu. Có lúc giá heo hơi xuống thấp chạm đáy, nhiều trang trại, người nuôi rơi vào tình trạng phá sản, phải nhờ người tiêu dùng “giải cứu”. “Gót chân Achilles” của ngành chăn nuôi heo thể hiện rõ ở quy mô manh mún, nhỏ lẻ; giá thành sản xuất cao; môi trường chăn nuôi đối diện với ô nhiễm, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh; chất lượng con giống chưa bảo đảm; công nghệ chế biến, giết mổ heo chủ yếu là thủ công; thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định…
Ngành chăn nuôi heo chỉ có thể vượt “khủng hoảng” khi có một chiến lược tái cơ cấu mạnh mẽ bằng cách tổ chức sản xuất theo chuỗi và gắn với thị trường; ứng dụng công nghệ cao theo hướng nhập khẩu các giống tốt, bảo tồn và lai tạo giống có năng suất và chất lượng cao; chủ động khống chế các dịch bệnh nguy hiểm. Để làm tốt công tác thú y cần khuyến cáo người dân thực hiện tốt pháp lệnh, luật thú y, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm.
Đợt “khủng hoảng” về dịch tả heo châu Phi cũng như việc giá heo liên tục tăng trong những ngày qua là cuộc thanh lọc khốc liệt của thị trường nhưng cũng là dịp để thúc đẩy tái cơ cấu, xây dựng một nền chăn nuôi hiện đại, bền vững. Qua đó, không chỉ chủ động được nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường ngày thường cũng như dịp Tết mà còn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới.
NGUYỄN TRIỆU HẢI