Để đường về không còn xa

Thứ Hai, 09/12/2019, 20:12 [GMT+7]
In bài này
.

Quê tôi ở một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Nhà đông anh em, ngoại trừ tôi rời quê vào Nam sinh sống, còn các anh chị và bố mẹ đều ở quê. Vì vậy, mỗi khi gia đình lớn có việc hoặc khi có dịp công tác ở phía Bắc, tôi thường tranh thủ về thăm bố vài ngày và thăm người bác ruột, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Bác đông con, đông cháu, nhưng mọi người đều đi làm, trong đó 2 anh con trai sinh sống ở Bình Dương. Do đặc thù công việc nên các anh ít có dịp về thăm bác. Vì vậy, mỗi lần tôi sang chơi, bác hay so bì: “Bên nhà bố cháu lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Các cháu tuy ở xa nhưng cứ về thăm liên tục, chẳng bù cho nhà bác…”.

Bác bỏ lửng câu nói, kèm theo cái thở dài đến não nề!

Hình ảnh người cha già ngồi ngóng chờ những đứa con xa nhà của bác tôi không phải là hiếm mà nó rất phổ biến ở nhiều làng quê khu vực miền Bắc và miền Trung, nơi có hàng triệu lao động vào các tỉnh, thành phía Nam sinh sống, lập nghiệp hoặc làm việc tại các KCN. Câu nói và cái thở dài của bác gợi cho tôi nhiều trăn trở.

Thì đây, bên ly cà phê sáng hôm qua, ngoài câu chuyện phiếm thường ngày, nhóm bạn đồng hương đã hỏi nhau “Tết này, có về không?”. Người hào hứng vì đã chuẩn bị được khoản tài chính cần thiết, người buồn xo vì tết này lại lỗi hẹn, bởi giá vé máy bay quá cao; vé ô tô và vé tàu hỏa khó mua, trong khi giá cũng không rẻ.

Vào mạng tìm hiểu giá vé máy bay hạng phổ thông, chiều TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội ngày 15/1 (21 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), tôi nhận được bảng giá vé khá “choáng” so với mặt bằng thu nhập: Từ gần 2,2-3,6 triệu đồng/vé, tùy theo giờ bay và hãng hàng không. Chiều vào ngày mùng 7 Tết Canh Tý (31/1/2020), giá vé nhỉnh hơn khi mức thấp nhất đã hơn 2,6 triệu đồng/vé. Làm bài toán đơn giản: Một gia đình có 4 người, chỉ riêng tiền vé máy bay khứ hồi cho chuyến về quê cũng đã hết khoảng 20 triệu đồng, chưa kể tiền vé xe di chuyển từ nhà đến sân bay và ngược lại. Một anh bạn năm trước cùng vợ và 2 con về quê ăn Tết chia sẻ, chuyến đi của gia đình anh dù tiết kiệm lắm cũng hết hơn 50 triệu đồng, gần hết khoản tiền dành dụm cả năm của vợ chồng anh.

Hàng triệu người lao động chấp nhận rời bỏ quê hương miền Bắc, miền Trung vào các tỉnh, thành miền Nam sinh sống, làm ăn, trong đó đa số là công nhân, lao động phổ thông. Khoản tiền lương hàng tháng chỉ đủ giúp họ chi tiêu dè sẻn và dành dụm gửi một phần về quê phụ gia đình trang trải cuộc sống, lo cho các em ăn học. Xa quê đằng đẵng, ngày Tết, ai cũng muốn được sum họp bên gia đình nhưng khoản chi phí đi lại quá lớn khiến nhiều người buộc phải tính toán thiệt hơn.

Mỗi khi có một hãng hàng không tư nhân nào đó được thành lập với những lời quảng cáo là hãng hàng không bình dân, giá vé rẻ, không ít người lao động mừng thầm, nghĩ sẽ có cơ hội về quê với chi phí thấp. Nhưng không, giá vé rẻ chỉ được bán với số lượng rất ít và vào khoảng thời gian thấp điểm, với những điều kiện ràng buộc ngặt nghèo. Dĩ nhiên, vé rẻ không bao giờ có trong những ngày lễ, Tết!

Nhiều người sẽ khuyên ai không có điều kiện thì về quê vào thời điểm khác. Nhưng điều này rất khó thực hiện, bởi đa phần các nhà máy, xí nghiệp chỉ ngừng sản xuất, cho người lao động nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Ngày thường, số lao động được nghỉ phép là rất ít. Hơn nữa, với người Việt, sự sum họp trong dịp Tết cổ truyền mới có ý nghĩa. Họ chỉ về quê vào ngày thường khi thực sự có việc cần thiết.

Nhằm chung tay chia sẻ với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhiều tổ chức, DN, cá nhân đã tổ chức các “chuyến xe 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình” đưa lao động nghèo về quê ăn Tết. Những nghĩa cử cao đẹp như vậy rất cần được nhân rộng và mở rộng đối tượng thụ hưởng; đồng thời mong có nhiều chuyến xe vé rẻ để nhiều người có cơ hội về quê sum họp cùng gia đình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, để đường về không còn xa với họ.

NGUYỄN ĐỨC

 

;
.