Chủ động phòng chống cháy nổ

Thứ Ba, 17/12/2019, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu có một cuộc bình chọn “nhân vật ” của năm 2019, tôi tin chắc nhiều người sẽ dành phiếu cho “bà hoả”. Vẫn biết thảm họa cháy nổ luôn để lại hậu quả khôn lường nhưng những con số do Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo trước Quốc hội sáng 13/11 vừa qua vẫn khiến cho nhiều người phải sốc: Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng. Báo cáo của ông Võ Trọng Việt khiến cho nhiều người lo lắng: Hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

Cháy nổ, một thảm họa không mới, đã được các cơ quan chức năng và báo chí cảnh báo liên tục cùng với những lời kêu gọi tích cực chủ động phòng tránh từ nhiều năm nay, rất tiếc đã không được xem trọng và đã để lại những hệ quả đau lòng. 

“Bà hỏa” xuất hiện và gây tai họa ở nhiều nơi, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thống kê cho thấy “bà hỏa” không “tha” một nơi nào: Chợ, siêu thị, kho bãi, văn phòng công ty, chung cư, cửa hàng kinh doanh vàng mã, cơ sở hàn xì, nhà hàng, quán nhậu, vũ trường, đặc biệt là các khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy. 

Nguyên nhân gây cháy nổ như sau: Do chủ quan trong sử dụng điện và các thiết bị điện (chiếm 36,5%), do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 27,2%) và vi phạm quy định PCCC (chiếm 8,8%), còn lại là những lý do khác. Những nguyên nhân ấy là chính xác bởi đó là kết quả điều tra của lực lượng cảnh sát PCCC. Song trên tất cả, có thể nói “thủ phạm” của hầu hết các vụ cháy là ý thức chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của không ít cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với thảm họa mang tên “bà hỏa”.  

Quả thật, sau một vụ cháy nào đó mà hậu quả là có người bị lửa thiêu cháy, chết thảm; nhà cửa, tài sản bị thiêu rụi, nhiều người tỏ ra lo lắng, nhắc nhở người nhà và dặn lòng “phải hết sức coi chừng lửa củi, điện đóm” nhưng rồi lại… quên ngay, trở lại những thói quen ẩu khi sử dụng điện, hoặc tàng trữ vật liệu dễ gây cháy, nổ. Khảo sát thực tế công tác PCCC ở nhiều chợ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, cơ quan chức năng cũng đánh giá các tiểu thương và cả ban quản lý chợ vẫn chưa thật cảnh giác với “bà hỏa”. 

Sự thờ ơ, thiếu quan tâm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến cho thảm họa cháy nổ không được ngăn chặn kịp thời, đúng như phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên nghị trường Quốc hội kỳ họp vừa qua “Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ”. Trên cả nước có không ít những xã, phường đã lơi lỏng trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh chất nhạy cảm với lửa như gas, xăng dầu, hóa chất, vàng mã, hàng nhựa gia dụng. Mức xử phạt hành chính những hành vi vi phạm về quản lý sử dụng, kinh doanh chất nổ còn nhẹ cũng là nguyên nhân khiến người ta coi thường nguy cơ cháy nổ. 

Cuối năm, nhiều hộ gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, đốt rác thải, cây cỏ; việc sử dụng các thiết bị điện, đun nấu, đốt nhang, vàng mã nhiều bất cẩn. Đây cũng là thời điểm kho bãi của các doanh nghiệp tập kết nhiều nguyên vật liệu; lượng hàng hóa về chợ, trung tâm thương mại cao gấp 2-3 lần so với ngày thường, kho chứa bị dồn ứ, diện tích lối đi, lối thoát hiểm bị thu hẹp lại nên nguy cơ cháy nổ càng cao. Để không xảy ra thảm họa, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, ban quản lý các chợ, các chung cư… phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện, gas, hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt; Các lực lượng chữa cháy tại chỗ, chữa cháy chuyên nghiệp cần phải chủ động, có những phương án PCCC cụ thể; Tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như khu dân cư, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… Tuy nhiên, căn bản của vấn đề vẫn là ý thức của người dân, tiểu thương. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa dành sự quan tâm đúng mức với vấn đề này thì “bà hỏa” mãi mãi là một thảm họa tiềm ẩn khó lường.  

Không thể nào để tồn tại lâu hơn hiểm họa này.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.