Tháng 11 năm nay, chúng tôi cùng về trường xưa nhân hội khóa kỷ niệm 30 năm thành lập. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này, cả khóa chúng tôi (thực ra chỉ có vỏn vẹn 50 người cho 2 lớp Văn và Toán, bởi chúng tôi học khóa 1 của trường cấp 2 của huyện) cùng ôn lại kỷ niệm xưa. Hình ảnh, những câu chuyện được từng người, từng người kể lại, tất cả như mới ngày hôm qua, hiển hiện rõ mồn một như những thước phim quay chậm.
Thầy cô của chúng tôi giờ đã già, có người đã không còn nữa. Nhưng những bài học mà thầy cô truyền dạy thì vẫn còn mãi. Tôi vẫn nhớ, hồi ấy các thầy cô rất nghiêm khắc, trong giờ học không đứa nào dám hó hé gì, nhưng lại cũng thương yêu, chia sẻ với chúng tôi như những người anh, người chị hay cha mẹ vậy; không chuyện gì là chúng tôi không kể cho thầy cô nghe trong những giờ ra chơi hay buổi sinh hoạt ngoại khóa. Có lẽ vì vậy mà sau 30 năm gặp lại, thầy cô vẫn nhắc nhớ từng đứa một với những đặc điểm riêng thật dễ thương, còn chúng tôi như những người con xa cha mẹ, lâu ngày được trở về, một cuộc hội ngộ đong đầy cảm xúc. Hồi ấy, thầy dạy Toán của chúng tôi còn âm thầm trích một phần lương tháng để giúp đỡ một bạn học của tôi do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ba mẹ mất sớm, bạn ở với chú, cách trường cả chục cây số. Về sau này, thầy đã đề nghị được nuôi bạn ăn ở tại nhà thầy, trong căn phòng ký túc xá ngay tại trường. Thầy cũng không khá giả gì khi cả hai vợ chồng đều làm nghề giáo, lại nuôi con nhỏ, nhưng vì tình thương yêu học trò, thầy đã sẵn lòng cưu mang, chia sẻ. Bạn đã thành tài, là tiến sĩ kinh tế và là niềm tự hào của thầy cô, của chúng tôi, những bạn học cùng lớp.
Người ta thường ví, nghề dạy học như nghề đưa đò, thầy cô là người lái đò, âm thầm đưa khách là những lứa học trò sang sông cập bến an toàn. Với nghề đưa đò, mấy ai mà nhớ nổi khách sang sông? Họa chăng chỉ có khách sang sông nhớ ông lái đò. Vậy nhưng, các thầy cô giáo, những người đưa đò thầm lặng đã nhớ hết, nhớ từng ưu nhược điểm, từng hoàn cảnh của trò mình như là những đứa con rứt ruột đẻ ra. Các thầy cô âm thầm dõi theo trò của mình, vui mừng khi các trò thành công và cũng đau lòng khi trò thất bại hay không “thành nhân”… Và học trò, dù có cơ hội quay trở lại bến đò năm xưa hay không thì cũng luôn nhớ trong suốt quãng đời những người đưa đò đáng kính ấy.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến.
Cuối thư, Bác yêu cầu: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
Tháng 11, không chỉ là dịp nhắc nhớ mỗi người về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, mà còn là dịp để đội ngũ thầy, cô giáo luôn nghĩ về phẩm cách của mình trong sự nghiệp trồng người. Bởi trong hành trang vào đời mỗi người, dù ở cương vị nào, lứa tuổi nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh và đầy nhân văn cao cả. Phẩm cách người thầy theo đạo đức Bác Hồ là thắp sáng niềm tin để làm tốt sự nghiệp trồng người.
Tháng 11, những bông hoa tươi thắm dâng lên thầy cô không chỉ là những bông hoa điểm 10, sự thành danh của các thế hệ học trò mà đáng quý hơn là sự trưởng thành, nên người, sống có ích và cống hiến cho Tổ quốc!
THẢO LINH