"Tăng tốc" phát triển du lịch

Thứ Hai, 04/11/2019, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phấn khởi cho biết: Trong thời gian qua, ngành du lịch đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2015 đến 2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu lượt người, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này rất đáng ghi nhận, nếu so với mức tăng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Với đà này, nhiều khả năng ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đón nhiều tin vui khi vừa được trao các giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) 2019 vào tháng 10 vừa qua với 4 hạng mục “hàng đầu châu Á” gồm: Điểm đến, Điểm đến ẩm thực, Điểm đến văn hóa và Điểm đến thành phố văn hóa (Hội An). WTA ra đời vào năm 1993, là giải thưởng uy tín bậc nhất thế giới và hiện được ví như giải “Oscar của ngành công nghiệp du lịch”. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các tập đoàn lớn của Việt Nam như VinGroup, SunGoup, FLC, BRG, SaigonTourist, HanoiTourist cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá của thế giới và châu Á về du lịch.

Sự tăng trưởng ở mức cao liên tục trong những năm gần đây, cùng các giải thưởng do các tổ chức uy tín thế giới trao, là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch Việt Nam. Đó là sự ghi nhận, là thành quả từ những nỗ lực của Chính phủ, của ngành du lịch, chính quyền các địa phương, cũng như các DN du lịch trong việc chung tay xây dựng điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Cụ thể, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về thị thực theo hướng tạo thuận lợi nhất cho khách quốc tế vào Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến và xúc tiến đầu tư du lịch; tạo lập môi trường hòa bình, ổn định và an toàn với du khách nói riêng, nhà đầu tư nói chung. Ngành du lịch và các địa phương cũng tích cực nâng cao uy tín điểm đến; quyết liệt chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, xử lý rốt ráo các vụ việc làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là những vụ việc liên quan đến vấn đề “chặt chém”, làm phiền du khách. Song song đó, nhiều DN đã tăng cường đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tạo điểm đến hấp dẫn du khách.

Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chất lượng du lịch chưa cao; sản phẩm chưa phong phú, còn na ná nhau, nhiều địa phương chủ yếu khai thác thế mạnh tự nhiên, nhất là du lịch biển; tay nghề và trình độ ngoại ngữ của lao động du lịch còn hạn chế… Ngoài ra, một vấn đề tuy nhỏ, khá tế nhị nhưng rất quan trọng trên đường du lịch là nhà vệ sinh công cộng chưa được quan tâm đúng mức khiến du khách ái ngại. Đây cũng chính là một trong “6 nỗi sợ của du khách quốc tế khi đến Việt Nam” mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng chỉ ra từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Để phát triển du lịch, cộng đồng cần thay đổi nhận thức và phải thực sự coi đây là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, mang tính xã hội hóa cao. Do đó, cộng đồng và DN cần chung tay với nhà nước trong phát triển du lịch. Nhà nước không ngừng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam; tạo môi trường ổn định cho nhà đầu tư; bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, an toàn cho du khách. DN cùng nhà nước xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo tay nghề cho lao động; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch…

Phát huy những kết quả đã đạt được, triệt để khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, hy vọng ngành du lịch sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 và đến 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

ĐỨC NGUYÊN

;
.