Rượu, bia có lỗi gì không?

Thứ Sáu, 15/11/2019, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Nửa đêm, tôi tỉnh cả ngủ khi điện thoại réo từng hồi đến nhức nhối, khó chịu. Nhấc điện thoại lên và tôi như người mất hồn, khi bạn tôi cho biết anh N.T.H vừa tự gây tai nạn lúc trên đường trở về nhà và đang rất nguy kịch. Tôi tức tốc chạy thẳng đến bệnh viện, nhưng vẫn không kịp, anh đã mất trước khi nhập viện. Anh mất, sau một cuộc nhậu, trong tình trạng chếnh choáng hơi men và đâm sầm xe vào cột điện. 

N.T.H là chồng của bạn tôi, một người hiền lành, có trách nhiệm với gia đình và “tửu lượng” kém nên anh rất ít khi nhậu nhẹt. Hôm ấy vì quá nể một người bạn lâu ngày gặp lại, để rồi anh không bao giờ có cơ hội trở về nhà như lời đã hứa với con trai mới chỉ 4 tuổi: Ba sẽ về sớm…

Tôi cũng từng chứng kiến sự tang thương của một gia đình khác, khi ông bố còn khá trẻ, là trụ cột của gia đình, đã bị rượu “cướp” đi sinh mạng của chính mình và tương lai của cả gia đình do quá chén. Trên đường về sau cuộc nhậu, P.V.G đã đâm thẳng vào chiếc xe lu đậu sát vỉa hè với tốc độ cao và không còn cơ hội sống sót sau cú va chạm kinh hoàng ấy. 

Tôi cũng biết thêm một trường hợp khác, khi ông bố quá chén vì vui mừng trong tiệc rượu liên hoan chia tay con trai lên đường du học. Ông bố ấy đã không thể chứng kiến tương lai tươi đẹp của con trai mình bởi bị tai biến và qua đời ngay trong đêm hôm ấy…

Ở đây, nước mắt dù có rơi nhiều đến mấy, đau thương dù có tới cỡ nào cũng không thể còn cơ hội quay về quá khứ để khiến những ông bố hoặc bạn bè trong những cuộc nhậu ấy không vui quá đà mà quá chén hoặc ép bạn mình quá chén. Ở trường hợp thứ hai, bạn bè của ông bố trẻ đã vô cùng ăn năn, hối hận khi đã ép bạn mình “không say không về”… bằng cách lập quỹ hỗ trợ chăm sóc con của bạn đến tận năm 18 tuổi. Thế nhưng, không có cách gì bù đắp nổi cho gia đình bạn mình mất mát to lớn ấy, vợ mất chồng, con mất cha, bố mẹ già mất con… 

Ở đây, rượu, bia có lỗi gì chăng? Tất nhiên là không, bởi rượu, bia là vô tri, là chất kích thích được phép lưu hành và tạo thêm sự phấn khích cho mỗi cuộc vui, liên hoan, gặp mặt,… và là không thể thiếu trong cuộc sống văn minh. Dù rằng: đồ uống có cồn là một loại chất độc, uống nhiều thì hại cho sức khỏe. Bởi vậy, luật được ban hành là dùng để phòng, chống tác hại của rượu, bia, chứ không phải chống rượu, bia. 

Rượu, bia không chỉ gây ra những hệ lụy khi người đã sử dụng rượu, bia lái xe. Rượu, bia còn để lại nhiều tác hại về những vụ việc đau lòng khác khi làm mất an ninh trật tự xã hội, phát sinh tệ nạn…

Từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực và đặc biệt được sự quan tâm của cộng đồng khi có 6 điểm mới được chú ý. Trong đó có quy định chi tiết về việc đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe… 

Cuối năm là dịp để các gia đình, tổ chức, cá nhân có những buổi gặp gỡ, họp mặt… Đây cũng là dịp cao điểm cho các vụ tai nạn, tệ nạn… do rượu bia gây ra. Vì vậy, ngay cả khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa có hiệu lực, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, phải sử dụng rượu, bia có chừng mực vì sự an toàn của chính mình, người thân và cộng đồng. 

Giảm tác hại của rượu, bia cũng chính là giúp giảm đi bao nhiêu cái chết thương tâm, giảm đi bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu số phận sau một giây bỗng thành bất hạnh, giảm đi gánh nặng của toàn xã hội trong việc chăm sóc, điều trị những bệnh nhân bị tác động bởi đồ uống có cồn.

THẢO LINH

;
Bộ sưu tập Whisky giá tốtMẫu hộp quà Tết dưới 500k Mua vang trắng ý chính hãng Champagne Mua sâm banh giá bao nhiêu?
.