Ngày 27/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn tố cáo của em H. (sinh ngày 28/11/2001) tố cáo một nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương đã nhiều lần có hành vi xâm hại tình dục, hiếp dâm em H. trong quá trình em sống ở trung tâm này từ năm 2017 – 2019. Hiện, cơ quan Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ.
Trước đó, chiều 17/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Tại cơ quan điều tra, ông Dũng thừa nhận có hành vi sờ ngực, vùng kín của các bé gái dưới 16 tuổi đang sống tại trung tâm. Sự việc vỡ lỡ khi 2 bé gái dưới 16 tuổi tại trung tâm này có đơn gửi báo chí và Công an quận Bình Thạnh tố cáo hành vi của Nguyễn Tiến Dũng.
Hai vụ việc trên liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Sự thật như thế nào, diễn biến ra sao phải chờ đợi sự vào cuộc xác minh, điều tra và kết luận của cơ quan công an xem có hành vi phạm tội hay không? Tuy nhiên, qua 2 vụ việc trên cũng cho thấy công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan chức năng đối với các cơ sở hỗ trợ, bảo trợ xã hội trẻ em còn có sự lơi lỏng, cần được chấn chỉnh.
Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã ký Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trẻ em; tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn. Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, Trung tâm Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH quản lý có chức năng tổ chức việc tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em, còn có hàng chục cơ sở bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cơ nhỡ không nơi nương tựa. Đây là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, lo việc học chữ, học nghề cho trẻ em của các cơ sở tôn giáo, hoặc nhóm cá nhân được chính quyền địa phương cho phép thành lập, trên tinh thần thiện nguyện, tự chủ về tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của cơ sở. Quy mô tiếp nhận, bảo trợ xã hội của mỗi cơ sở khoảng 10-30 trẻ em từ 1 đến 16 tuổi.
Thời gian qua, hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội trẻ em (công lập, ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội trên từng địa bàn. Tuy nhiên, vẫn có phản ảnh của người dân về hoạt động của một vài cơ sở chưa bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn tài chính, kỹ năng trong việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em.
Vì vậy, thực hiện Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH nêu trên, ngành LĐ-TB-XH tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, kiểm tra hoạt động của tất cả các cơ sở bảo trợ, nuôi dạy trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh, cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện tốt hơn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016.
NHỰT THANH