Chương trình Thời Sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) 12 giờ trưa 5/11/2019 chuyển đến công chúng thông điệp “Nhặt rác trên biển”, bằng hình ảnh những ngư dân trẻ thuộc thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), trên các con tàu đánh bắt hải sản, họ đã mang về hàng chục bao tải rác thải nhặt nhạnh được từ biển. Các bao tải rác đã được phân loại, nào chai lọ, nào túi ni long, nào các loại giấy, que, thân và lá cây… Các bao tải chai lọ được chuyển giao cho chi đoàn thanh niên và đội thiếu niên tiền phong làm “kế hoạch nhỏ”, lấy tiền giúp đỡ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Rác hữu cơ được chuyển đến đội trật tự bảo vệ môi trường. Nhặt rác trên biển đã trở thành ý thức thường trực của người dân, trước hết là đối với người trẻ, từ một vài năm nay. Thông qua màn ảnh truyền hình, người dân Thuận An chuyển đi bức thông điệp “Bảo vệ môi trường hữu hiệu”, bằng nhiều cách, xuất phát từ ý thức tự giác của mọi người, mọi nhà - của người dân tại chỗ và các du khách.
Thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, được biết, phong trào nhặt rác của người dân và du khách đang ngày càng phổ biến ở vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; các bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu… với sự tham gia của không ít du khách nước ngoài. Tại Ấn Độ, hình ảnh Thủ tướng Narendra Damodardas Modi nhặt rác trên bãi tắm, diễn ra đầu tháng 10/2019, theo truyền thông Ấn Độ, đó không phải do dàn dựng và bố trí để tuyên truyền mà là ý thức thường trực từ hồi còn là học sinh trung học của vị Thủ tướng đương nhiệm này. Hành vi nhặt rác trên bãi biển của Thủ tướng rất được sự ngưỡng mộ của công chúng trong nước, ngoài nước.
Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang là vấn nạn nguy hiểm cho sức khỏe con người; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xã hội; suy giảm chất lượng hệ sinh thái. Một khảo sát mới đây cho thấy, Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương 2.500 tấn/ngày. Theo đó, hàng năm Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới. Cách đây hơn một tháng, đầu tháng 10/2019, hàng trăm tấn rác thải, theo cơn gió - sóng biển và thủy triều, từ biển ùn ùn trôi dạt vào bãi tắm Thùy Vân, TP.Vũng Tàu. Gần 3 ngày liên tục, hàng ngàn người, cán bộ, nhân dân, học sinh, công an, quân đội và du khách vào cuộc dọn dẹp rác thải. Rác từ đâu đến? Câu trả lời là do chính con người thải ra. Quan sát cuộc “đổ bộ” ngoạn mục này của rác thải, không ít người rùng mình, lo ngại cho sự an toàn của cuộc sống.
Để khắc phục nạn rác thải gây ô nhiễm sinh thái, ngoài các giải pháp, biện pháp hữu hiệu - đầu tư xây dựng các Trung tâm xử lý rác hiện đại; xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, không tùy tiện xả thải ra môi trường của con người là trên hết, cực kỳ quan trọng và cần thiết. Phóng sự truyền hình của VTV phát tối 3/11/2019 cho thấy, nhiều người dân ở một địa phương Trung Trung bộ, trên QL1 đã gom rác thải sau cơn bão số 5 rồi đổ tống, đổ tháo xuống dòng sông đang cuồn cuộn nước lũ. Những đống rác bẩn ấy, người ta đổ ra sông, người dân hạ lưu hứng trọn. Ý thức vì cộng đồng kém cỏi đến như vậy, gây nguy hại khôn lường. Phóng sự truyền hình chỉ “chộp” một vụ việc cụ thể về ý thức kém của người dân, để nhắc nhở chung. Hiện tượng ấy không phải là cá biệt, đòi hỏi xã hội càng phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, trong cộng đồng dân cư.
Mấy năm nay, bãi tắm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã sạch đẹp hơn hẳn, so với trước. Nhân dân và du khách ghi nhận và đánh giá cao thành quả này. Mong cho ngành du lịch, chính quyền địa phương tiếp tục có giải pháp hữu hiệu và quyết liệt để phát huy thành quả “Biển Bà Rịa - Vũng Tàu xanh - sạch - đẹp”; phát huy ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân và du khách.