.

Đối thoại tạo nên sự đồng thuận

Cập nhật: 21:06, 10/11/2019 (GMT+7)

Chủ một DN chia sẻ, anh rất mong chờ các buổi đối thoại với các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh. Bởi lẽ, thông qua đó dù ít dù nhiều thì những vấn đề vướng mắc của DN cũng được phản ánh trực tiếp, cụ thể, rõ ràng với cơ quan chức năng địa phương. Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, tại các hội nghị tiếp xúc đối thoại, các kiến nghị của DN cơ bản đã được giải quyết kịp thời hoặc ban hành văn bản trả lời theo thẩm quyền và báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Việc đối thoại sẽ là cách tốt hơn, ít nhất là tạo cơ hội để hai phía lắng nghe nhau, hiểu được bản chất vấn đề đang gặp phải. Việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với người dân và DN, thông qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; đồng thời, tháo gỡ nhiều vấn đề bức xúc, kéo dài, dễ phát sinh mâu thuẫn trong người dân. Chẳng hạn như chỉ một tuần sau khi diễn ra hội nghị “Lãnh đạo tỉnh đối thoại với DN và nhà đầu tư năm 2019” được tổ chức, những vướng mắc của Công ty TNHH Văn hóa Trí Việt trình bày, kiến nghị đã được lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các đơn vị liên quan cùng tìm cách tháo gỡ và giải quyết ổn thỏa. Như vậy, tiếng nói của DN đã có tác động tích cực nhờ hiệu quả của một quá trình giao tiếp, bắt đầu từ thái độ lắng nghe, chứ không phải là sự “né tránh” như thường thấy.

Tại hội nghị tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu Tổ hợp Hóa dầu miền Nam do UBND TP. Vũng Tàu tổ chức mới đây cũng cho thấy, bài học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm thiểu sự thiệt thòi đối với người dân có đất bị thu hồi và tạo sự đồng thuận cao từ người dân chính là từ hoạt động đối thoại. Việc thường xuyên tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước là “chìa khóa” thành công không chỉ riêng đối với dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam mà còn là bài học trong triển khai các dự án trọng điểm khác trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Những ví dụ trên cho thấy, qua các cuộc tiếp xúc và đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nắm bắt kịp thời tình hình, biết bản chất vấn đề để có hướng chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc và tiến hành giám sát, xử lý đến nơi đến chốn. Ngược lại, những vấn đề người dân hoặc DN chưa hiểu rõ hoặc hiểu chưa đúng cũng sẽ được giải thích kỹ thông qua đối thoại. Việc này đã giúp các địa phương tạo đồng thuận từ cơ sở, giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh điểm “nóng” phức tạp, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ngày càng phát triển.

Rõ ràng nơi nào người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân, DN, đối thoại với dân, nơi đó giữa chính quyền và nhân dân luôn có sự đồng thuận cao. Trong đó, người đứng đầu cũng như cán bộ chuyên trách tiếp công dân cần sẵn sàng tâm thế, phương pháp ứng xử thể hiện sự gần dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Từ đó, thúc đẩy nền hành chính phục vụ nhân dân, DN ngày càng tốt hơn, tăng “chỉ số niềm tin” giữa người dân, DN và chính quyền ngày một cao hơn.

NGÔ GIA
.
.
.