Phung phí ngân sách!
Tuần rồi, khi thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói nhiều về tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, giải ngân chậm khiến công trình dự án phải kéo dài thời gian, tăng vốn, đội vốn tạo sức ép lên ngân sách ngày càng lớn. Các đại biểu đề nghị có giải pháp tháo gỡ tình hình giải ngân trì trệ nhưng mặt khác cũng dứt khoát xem xét tính hiệu quả của dự án mới quyết định bố trí vốn, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư công bị thất thoát.
Qua các phương tiện truyền thông, người dân biết tại nhiều địa phương trong cả nước, có không ít công trình trăm tỷ, ngàn tỷ xây dựng dang dở vì chậm được giải ngân, đói vốn, nhiều công trình đã hoàn thiện nhưng chưa được khai thác, sử dụng, bỏ hoang gây nên sự lãng phí rất lớn. Sự lãng phí diễn ra “muôn hình muôn vẻ” trên các lĩnh vực chợ, cầu, đường, trường, trạm, cảng cá, tuyến kè sông, nhà thi đấu thể dục thể thao… Điều khiến dư luận bức xúc là những công trình hoang phí như vậy không chỉ mọc lên ở các thành phố lớn, vùng đô thị mà ở ngay cả những địa phương nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Khi quy hoạch, triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư mà thường là chính quyền các địa phương thường “vẽ” ra một viễn cảnh tươi sáng do công trình ấy mang lại và cố dốc sức thi công, bỏ ngoài tai những lời phản biện của các tổ chức, đoàn thể nhân dân. Thế nhưng khi công trình xây dựng xong thì lại không phát huy hiệu quả hoặc xuống cấp, không sử dụng được. Nhiều chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra từ những công trình tiền tỷ bỏ hoang ấy: chợ biến thành kho chứa, bãi rác, điểm hút chích ma túy; cầu chẳng ai qua hoặc rất ít người có nhu cầu đi lại; trường không ai học, người dân đã tận dụng nhốt trâu bò, làm kho chứa nông sản, rơm rạ; trạm nước phải “đắp mền” vì người dân không sử dụng được. Đó là những sự lãng phí khó có thể chấp nhận nhưng dường như không ai chịu trách nhiệm gì về hiệu quả, chất lượng dự án, cũng chẳng có ai ray rứt, trăn trở trước câu hỏi do người dân và dư luận đặt ra: Vì sao công trình không sử dụng được, không phát huy hiệu quả?
Chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí vốn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận lâu nay. Nhiều kỳ họp Quốc hội cũng đã nói nhiều đến việc chống tham nhũng, thất thoát trong đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các bộ, ngành chức năng cảnh báo tỷ lệ thất thoát vốn ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản rơi vào các khoản hoa hồng, quà cáp, lễ lạt động thổ, nghiệm thu, khánh thành, ăn bớt nguyên liệu, “công tác phí” lên tới 20% tổng vốn. Vậy nhưng, các dự án ra đời từ ý muốn chủ quan nông cạn, tính phô trương cũng như thói ăn theo dự án vẫn không hề giảm, việc vung tay ném tiền qua các công trình, dự án vẫn tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân chính - theo các chuyên gia pháp luật là cho đến nay vẫn chưa có các biện pháp chế tài đối với những cơ quan và cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định và triển khai thi công các dự án. Vậy nên, việc không ai chịu trách nhiệm gì về hiệu quả, chất lượng các dự án cũng là điều dễ hiểu.
Để cho những công trình có ý nghĩa phục vụ lợi ích người dân ấy có chất lượng, tồn tại lâu dài, vấn đề đặt ra là phải gắn trách nhiệm của những cán bộ có liên quan với công trình ngay từ đầu. Không thể đợi cho đến khi những công trình xây xong, không phát huy tác dụng hoặc bỏ hoang rồi mới đi tìm trách nhiệm của những người phê duyệt, cấp phép, thi công để xử lý. Như thế là quá muộn. Và người ta cũng tin rằng, việc phung phí tiền tỷ vào những công trình, dự án có lợi cho một số người sẽ được hạn chế khi điều 14 của Luật Đầu tư công (công khai, minh bạch trong đầu tư công) được biên soạn chi tiết hơn, quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công và chế tài xử lý vi phạm, sử dụng công cụ kiểm toán nhằm giám sát tài chính dự án đầu tư công; quy kết trách nhiệm đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có vốn hoặc không có vốn đầu tư. Chỉ như vậy mới chấm dứt tình trạng phung phí ngân sách Nhà nước như một căn bệnh kinh niên nhiều năm không thuốc men nào chữa trị nổi!
NGUYỄN HƯNG NHƠN