Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019), những ngày qua, nhiều khu phố, thôn, ấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2019.
Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được tổ chức tại khắp các địa phương trong cả nước. Đến với ngày hội, người dân trong không khí vui tươi, phấn khởi. Để chuẩn bị cho Ngày hội đoàn kết, các tầng lớp nhân dân được huy động mỗi người lo một việc. Người góp công lo hậu cần, trang trí sân khấu, hội trường, người góp của để mua quà tặng người khó khăn, trao học bổng cho HS nghèo hiếu học. Khi Ngày hội diễn ra, mọi người cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận, tổng kết, đánh giá việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, biểu dương, tôn vinh các tập thể, hộ gia đình và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày hội còn là dịp để cán bộ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân qua hệ thống chính trị tại cơ sở, từ đó có những điều chỉnh hay quyết sách trong công tác quản lý, điều hành của mình.
Trong phần hội, các tầng lớp nhân dân hòa mình vào các trò chơi dân gian. Nhiều khu phố, thôn, ấp còn tổ chức bữa cơm đoàn kết cuối Ngày hội. Đó không phải là một bữa cơm đơn thuần. Bữa cơm mang tính chất đoàn kết, như một bữa cơm gia đình. Ở đó, mọi người ngồi bên nhau chia sẻ về cuộc sống, công việc, những tâm tư, nguyện vọng và hóa giải cả những khúc mắc đời thường. Từ đó, tình đoàn kết xóm làng được thắt chặt. “Trong bữa cơm đoàn kết, bà con lối xóm có dịp ngồi cùng nhau, giãi bày những khúc mắc và vui vẻ bỏ qua những mâu thuẫn để gắn bó, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống”, bà Đinh Thị Ngọc Hồng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Lạc Long (xã Kim Long, huyện Châu Đức) chia sẻ.
Điều đáng quý hơn nữa, trong dịp này, hàng ngàn phần quà cùng hàng trăm suất học bổng, hàng chục căn nhà “Đại đoàn kết” của Ủy ban MTTQVN, của các hội đoàn thể, chính quyền các cấp và các mạnh thường quân đã được trao đến những hộ gia đình khó khăn, những em HS nghèo hiếu học. Đó là nguồn cổ vũ, động viên và là động lực để những người có hoàn cảnh kém may mắn phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Tham gia Ngày hội tại khu phố 4, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa, tôi được thấy những giọt nước mắt xúc động của 2 bà cháu em Nguyễn Đoàn Anh Kiệt, lớp 6A6, Trường THCS Nguyễn Du khi em được tặng chiếc xe đạp (trị giá 3 triệu đồng) và suất học bổng 2 triệu đồng. “Chiếc xe đạp và suất học bổng dành cho Kiệt đã thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, sự quan tâm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, khu phố và các mạnh thường quân. Tôi thấy Ngày hội này thực sự rất ý nghĩa”, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, bà nội của Anh Kiệt xúc động nói.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về đoàn kết. Nói chuyện tại Đại hội đại biểu MTTQVN lần thứ 2, ngày 25/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại câu nói đã trình bày trong cuộc Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt năm 1951: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Thấm nhuần tư tưởng đó, MTTQVN nói chung, MTTQ các cấp trong tỉnh nói riêng đã có nhiều chương trình hành động nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc như: Phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, “đền ơn đáp nghĩa”, chính sách dân tộc, tôn giáo. Qua đó, MTTQVN đã khẳng định được vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của mình, từ đó khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, làm cầu nối tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
NGUYỄN ĐỨC