Giá heo hơi hiện nay đã “cán mốc” 76.000 đồng/kg, thậm chí một số tỉnh phía bắc đã lên tới 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá heo hơi cao nhất từ trước đến nay, đem lại mức lợi nhuận cho người chăn nuôi khoảng 3-3,5 triệu đồng/con heo bán ra (trung bình 100kg/con). Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, dự báo nếu giá thịt heo tăng khoảng 10-15% nữa thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5-0,7%, đưa mức CPI bình quân năm 2019 dự báo tăng dưới 3% so với năm 2018. Dù vẫn trong vùng kiểm soát, tuy nhiên phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy, nguyên nhân giá heo tăng “phi mã” là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ heo thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán ra thị trường. Mặt khác, do bệnh dịch tả heo châu Phi, đến nay tổng số heo tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng heo của cả nước). Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển heo theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Các trang trại chăn nuôi số lượng lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung heo thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao. Những nơi có giá cá biệt đã tạo hiệu ứng lan tỏa giá heo trong nước tăng cao, thương lái lợi dụng đẩy giá lên bất thường. Cũng theo Bộ NN-PTNT, dự kiến những tháng cuối năm 2019 nhu cầu thịt heo hơn 600.000 tấn. Căn cứ trên tổng đàn và mức nhập khẩu hiện nay thì tổng cung có hơn 400.000 tấn, vẫn thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt heo trong nước và giá thịt heo đang tiếp tục tăng cao, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan nhằm tìm biện pháp bình ổn giá thịt heo những tháng cuối năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN-PTNT nhanh chóng đưa ra các giải pháp đáp ứng cung cầu, bù đắp thiếu hụt nguồn thịt heo trong thời gian cuối năm, đồng thời phải dự đoán nhu cầu thịt heo và nguồn cung của từng tháng từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, việc người dân lo ngại giá heo tăng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt heo tăng theo là hoàn toàn có cơ sở. Nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài. Trên thực tế tại thị trường BR-VT trong vài tuần trở lại đây, giá một số mặt hàng như giò, chả, bún, bánh mì… đã tăng từ 10-20% so với trước. Do đó, các cơ quan chức năng và địa phương ngoài việc nhanh chóng triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm cũng cần giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang các nước khác để bảo đảm được nguồn cung trong nước. Về phía người tiêu dùng, đã đến lúc cần thay đổi thói quen trong sử dụng thịt heo trong bữa cơm hàng ngày, đó là thay vì mua thịt nóng thì chuyển sang sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh, đồng thời chuyển sang ăn các sản phẩm gia cầm, thủy sản hoặc thực phẩm thay thế khác thay vì chỉ ăn thịt heo.
HOÀNG ANH