Bảo đảm an toàn đường ống dẫn khí

Thứ Năm, 14/11/2019, 21:47 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị quản lý, DN khai thác công trình dầu khí thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành lang an toàn các công trình dầu khí, có thể dẫn đến nguy cơ rò rỉ dầu, khí gây ra thảm họa cháy, nổ với tác hại khôn lường. Qua đó, các hoạt động dầu khí và các công trình, phương tiện, thiết bị dầu khí được bảo đảm an toàn, cung cấp khí ổn định cho các nhà máy phát điện và các hộ sản xuất công nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về an ninh, an toàn (ANAT) dầu khí vẫn còn xảy ra. Đối với đường ống dẫn khí dưới biển, các mối nguy hại cho đường ống, như: tàu hàng, tàu dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản thả neo xuống biển móc vào đường ống dẫn khí; đánh bắt hải sản bằng vật liệu nổ, lưới cào; hoạt động thăm dò, khảo sát, sữa chữa công trình biển… Đối với đường ống dẫn khí trên bờ, các hoạt động có thể dẫn đến sự cố gây mất an toàn, như: đào bới, trồng cây, xây dựng công trình, đổ chất thải độc hại có khả năng ăn mòn kim loại, đốt rác, vận tải nặng… trong phạm vi hành lang an toàn của đường ống.

Rất may là các mối nguy nêu trên đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nên trong thời gian qua không có xảy ra sự cố nghiêm trọng, thảm họa cháy nổ gây ảnh hưởng tới ANAT dầu khí trên địa bàn. Việc xử lý các hành vi xâm phạm ANAT dầu khí cũng được các cơ quan thẩm quyền thực hiện xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật. Đơn cử, ngày 1/9 vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có quyết định xử phạt ông N.V.Ư, ngụ TP.Vũng Tàu, thuyền trưởng tàu Phú Yên 2007 về hành vi vi phạm “Thả neo trái phép trong phạm vi 02 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển” quy định tại Nghị định số 03/2002/NĐ-CP về bảo vệ ANAT dầu khí. Căn cứ Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, thì vi phạm trên sẽ bị phạt tiền từ 300-400 triệu đồng. Mức phạt này cho thấy rất nặng, mang tính răn đe cao để phòng ngừa các hoạt động ảnh hưởng tới ANAT dầu khí.

Hiện nay, trên đất liền và vùng biển tỉnh BR-VT có tới hàng trăm công trình dầu khí với quy mô khác nhau. Riêng hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển có tổng chiều dài 780km, trên bờ có tổng chiều dài gần 29km. Hệ thống đường ống dẫn khí vận chuyển khoảng 8 tỷ m3 khí/năm; cung cấp khí để sản xuất ra 13% sản lượng điện, 40% sản lượng phân đạm cả nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực Quốc gia, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước; giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.

Từ những lợi ích do công trình đường ống dẫn khí khí mang lại như trên, vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống này cần được đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân đang có những hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt có thể gây ảnh hưởng xấu đến công trình đường ống dẫn khí cần phải điều chỉnh hành vi.

Theo đó, ngoài công tác truyền thông của các đơn vị quản lý, DN đang vận hành, khai thác hệ thống đường ống dẫn khí, cần có sự chung tay góp sức của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chính quyền và đoàn thể ở cơ sở nơi có tuyến đường ống dẫn khí trên bờ đi qua, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân, DN nắm rõ quy định của pháp luật liên quan tới ANAT dầu khí. Đặc biệt là Nghị định số 03/2002/NĐ-CP về bảo vệ ANAT dầu khí, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, Chỉ thị số 06/CT-UBND (ngày 27/3/2019) của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm ANAT các công trình dầu khí trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu.

NHỰT THANH

 
;
.