Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng là một trong các thành viên của Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về quản lý báo chí, quản lý mạng xã hội. Nhiều vấn đề “nóng” đang được đặt ra về quản lý mạng xã hội.
Cuộc hội thảo khoa học mới đây tại Hà Nội về “Ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội” cho thấy, mạng xã hội ra đời và phát triển với tốc độ chóng mặt, làm đảo lộn nhiều quan niệm và phương thức hoạt động của báo chí - truyền thông. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “Ứng xử chuẩn mực - có văn hóa trên mạng xã hội” đang là đòi hỏi bức thiết. Mọi thành viên trong xã hội, từ Thủ tướng đến công dân bình thường đều sống chung với mạng xã hội. Thực tế hiển nhiên này, đối với đời sống xã hội đương đại, không thể khác, không ai có thể phủ nhận. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, ai cũng có thể “hòa quyện” vào thế giới thông tin mạng, đưa tin và luận bàn sự kiện; trở thành một chủ thể, mắt xích, cấu trúc, một thành viên của mạng xã hội.
Người ta ví von mạng xã hội như cái chợ trời khổng lồ - hổ lốn các loại thông tin và đương nhiên có sự luận bàn, tương tác trong tổng thể rộng lớn, hay trong từng “Group” chia sẻ, kết nối. Một trong những đặc trưng của mạng xã hội, là sự đan xen hai mặt tốt và xấu, trung thực và bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí vu khống, chửi bới, bôi nhọ lẫn nhau. Kẻ tung người hứng, vì động cơ hay sắc thái tình cảm nào đó, cách nhìn người nhìn việc phiến diện, người ta dễ dàng mạt sát, ném đá, đánh hội đồng không thương tiếc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại một đơn vị bầu cử ở Hà Nội, khi được hỏi về tình hình biển Đông, đã khẳng định: “Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Nguyên tắc bất di bất dịch là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, nhưng đồng thời phải giữ ổn định, giữ được đất nước yên bình, để dân giàu, nước mạnh, phát triển. Đó là lập trường, quan điểm, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên trên mạng xã hội, người này người khác, nhóm này nhóm kia, những kẻ cơ hội chính trị lại xuyên tạc, thổi phồng sự thật, kích động, lên gân lên cốt ra vẻ ta là anh hùng, yêu nước. Sự kích động ấy rất nguy hiểm bởi những người yêu nước nhưng thiếu hiểu biết, thiếu thông tin có thể bị luồng thông tin này hướng lái, dẫn tới những hành động sai trái, nguy hại, chống phá, gây mất ổn định.
Có một thực tế thứ hai, mạng xã hội có không ít thông tin tốt. Trong không ít sự kiện, nhờ mạng xã hội mà phát hiện ra sự khó khăn, thiếu thốn nơi này, nơi kia, những hoàn cảnh khó khăn, cần sự cưu mang, trợ giúp của cộng đồng. Qua mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy đồi đạo đức xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng xe công, tai nạn giao thông. Mạng xã hội trợ giúp khá hiệu quả việc tìm người thân, bạn bè, tình xưa nghĩa cũ…
Một Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi trong xã hội, bao gồm cả thông tin mạng đều phải được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, phù hợp với lợi ích nhân dân, lợi ích đất nước. Sau Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Tổ chức thực thi nghiêm túc Luật An ninh mạng là giải pháp hữu hiệu phòng tránh các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng mạng, thúc đẩy yếu tố hữu ích, tích cực của mạng xã hội.
Cùng với việc thực thi pháp luật, điều quan trọng tiếp theo chính là văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân khi tham gia mạng xã hội. Một chuyên gia cho rằng, mạng xã hội đang thiếu chuẩn mực về văn hóa, sự ứng xử thiếu văn hóa. Nền văn hóa mạng, tại sao không? Để có văn hóa mạng, trên nền văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc và sự tự giác thực thi của mọi cư dân mạng. Thực thi Luật An ninh mạng, xây dựng văn hóa mạng, cả hai cùng song hành. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính mình. Bản lĩnh chính trị và tỉnh táo, có văn hóa để khai thác mặt tốt, tính ưu việt của mạng xã hội. Bản lĩnh chính trị và tỉnh táo, ứng xử có văn hóa để tránh, không a dua, không bị dẫn dắt bởi mặt xấu, độc hại, sự bịa đặt, xuyên tạc ác ý của mạng xã hội.
HẢI VÂN