Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, nhất là các đảng viên trẻ ở các chi bộ khu phố, thôn, ấp ngày càng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi bộ, các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư (KDC). Vậy nên, những khó khăn do việc thiếu nguồn phát triển đảng viên và thiếu đảng viên trẻ kế cận ở KDC đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia, đóng góp sức lực xây dựng KDC vững mạnh.
Phải khẳng định rằng, ở KDC lực lượng đảng viên trẻ, các đối tượng quần chúng và các nhân tố tích cực trong độ tuổi lao động, là lực lượng nòng cốt để phát huy tốt vai trò hoạt động của các khu phố, thôn, ấp và các đoàn thể tại địa phương; có vai trò quan trọng trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; của cấp ủy và chính quyền địa phương vào thực tiễn cuộc sống. Bởi đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất và là lực lượng đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng ở KDC, thời gian vừa qua, nhiều cấp ủy ở các KDC đã luôn quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên trẻ cả về số lượng và chất lượng, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Công tác kết nạp đảng viên mới, đảng viên trẻ ở KDC được thực hiện đúng phương châm, phương hướng, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục chặt chẽ.
Mặc dù vậy, công tác phát triển Đảng ở các chi bộ KDC trên địa bàn cả nước nói chung và ở các địa phương nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: Tỷ lệ kết nạp đảng viên ở các chi bộ KDC chưa cao, thậm chí có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới nào. Chất lượng đảng viên trẻ được kết nạp tuy có tăng nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế về trình độ và chưa đa dạng các thành phần. Tình trạng “già hóa” đảng viên ở các chi bộ KDC ngày một cao, có chi bộ đông về số lượng nhưng chủ yếu là các cán bộ hưu trí. Một số đảng viên sau khi được kết nạp hoặc đảng viên xuất ngũ về địa phương thì phải đi làm ăn xa, hoặc chuyển địa bàn sinh sống.
Thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều khu phố, thôn, ấp, thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực, uy tín để giới thiệu đảm nhận các chức danh ở KDC. Vì vậy, để tháo gỡ “nút thắt” trong công tác phát triển Đảng ở KDC, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức và các giải pháp để tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng, nhằm tăng sức chiến đấu, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của tổ chức Đảng ở cơ sở. Đảng ủy phường (xã) cần chủ động xây dựng kế hoạch làm việc (định kỳ và đột xuất) với các chi bộ KDC để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn nhân tố tích cực, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình kết nạp đảng viên mới. Bên cạnh đó, khi xét thấy cần thiết thì cùng với cấp ủy chi bộ KDC xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên, bảo đảm cụ thể, sát với tình hình thực tế của cơ sở. Bí thư chi bộ khu phố (thôn, ấp) cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong chi ủy, phụ trách từng khu vực trong KDC theo quy chế hoạt động của chi bộ từ đầu nhiệm kỳ, làm nòng cốt tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể (chi đoàn, chi hội phụ nữ, chi hội CCB…) để theo dõi, tuyên truyền vận động và phát hiện các nhân tố tích cực; từ đó có kế hoạch giúp đỡ, giáo dục và bồi dưỡng các đối tượng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng. Chi bộ KDC cần chú trọng và tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc tạo nguồn phát triển Đảng ở KDC. Quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở; thu hút đoàn viên, hội viên tích cực tham gia sinh hoạt để phát hiện những nhân tố tích cực, những quần chúng ưu tú có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng để giới thiệu cho chi bộ bồi dưỡng, giúp đỡ, xem xét kết nạp vào Đảng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chi ủy trong việc rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, chọn lựa những đoàn viên, hội viên tiêu biểu đưa vào dự nguồn phát triển Đảng.
HOÀNG LÊ