Sử dụng mạng xã hội có ích cho đời sống

Thứ Năm, 17/10/2019, 21:42 [GMT+7]
In bài này
.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, con người càng được hưởng nhiều tiện ích hơn do nó mang lại. Người ta có thể giao lưu trên toàn thế giới chỉ thông qua một cú nhấp chuột, có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua các kênh thông tin của mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, mọi thông tin đưa lên trên các trang mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh chóng. Không ít những thông tin đã cứu được số phận của nhiều người và nhiều người cũng học được những bài học yêu thương, trân trọng con người, xây dựng, bồi đắp tình yêu với quê hương, đất nước. Một hành động đẹp, một câu nói hay, một bài thơ, bài văn có nội dung tốt đều dễ dàng lay động được hàng triệu con tim.

Ngược lại, những tin không hay, hành động không đẹp cũng sẽ lan tỏa nhanh chóng trở thành chủ đề nóng, bức xúc trên các trang mạng xã hội. Một thông tin xấu sau những like cũng dễ dàng biến thành bạo lực. Một sự hiểu lầm sau những bình luận đã biến thành tai họa. Không ít người đã bị vạ lây bởi sự không đâu. Có người sau một cú sốc oan nghiệt từ mạng xã hội đã tìm đến cái chết; có người cố gắng vượt qua rồi tự thu mình lại.

Các trang mạng xã hội luôn phát huy được mọi khả năng của người dùng, nhất là với những người có văn hóa giao tiếp, ứng xử đúng mực. Những người có ý thức tốt, hướng đến những điều đẹp đẽ thì luôn biết sử dụng mạng xã hội để làm những gì có ích cho đời sống cộng đồng, cho đất nước. Ngược lại, những người thiếu ý thức, nếu chỉ biết chăm chăm cái tôi, vì lợi ích nhỏ, vì lợi ích nhóm, vì sự thù ghét cá nhân thì sử dụng thông tin mạng để bôi xấu cá nhân, tổ chức.

Trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập, dễ gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Những bức xúc sẽ lan tỏa thành chủ đề nóng, nhất là trên các trang mạng xã hội. Bày tỏ quan điểm là quyền hợp pháp của con người. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm một cách có văn hóa, có cơ sở tin cậy, có trách nhiệm với đất nước và đúng pháp luật thì nên làm.

Thời gian qua, trên không gian mạng, nhất là trang cá nhân Facebook, đã có không ít những người có hiểu biết, có trình độ lại bày tỏ quan điểm đúng - sai một cách bừa bãi về một vấn đề nào đó. Họ lấy cớ bức xúc, lấy cái tự do của mình để chia rẽ, bè phái, nhằm kích động, vu khống và lôi kéo nhiều người cùng tham gia theo tâm lý đám đông dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Như vụ ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi sử dụng mạng xã hội để phát đi những lời lẽ ngông cuồng, vu khống, xúc phạm đến chính quyền và công an địa phương.

Luật An ninh mạng là một thiết chế pháp luật nhằm phòng ngừa những tác động xấu trên mạng xã hội đến đời sống, an ninh và trật tự xã hội, đã được ban hành và áp dụng kể từ ngày 1/1/2019. Theo đó, không được sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…

Mong rằng, mỗi người tham gia tương tác trên mạng xã hội cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình, tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, đúng pháp luật, có ích cho bản thân và đời sống cộng đồng.

HOÀI CHÂU

 
;
.