Trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Nhà nước đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Theo đó, mấy năm gần đây, đã có sự dịch chuyển lượng lớn phế liệu nhập khẩu từ các nước vào lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát quy trình nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa là phế liệu vào nước ta thời gian qua chưa chặt chẽ, dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu không xác định được chủ hàng tại các cảng biển. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm là việc nhập khẩu phế liệu, dây chuyền công nghệ sản xuất, tái chế nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là kẽ hở để nước ta có nguy cơ trở thành nơi tiếp nhận chất thải và công nghệ sản xuất, tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác trên thế giới.
Trước thực trạng trên, ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Sau 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hàng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển trong nước vẫn còn tồn đọng khá lớn. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến tháng 8/2019, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu lưu giữ tại các cảng biển 10.983 container. Trong đó, số lượng container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày là 7.103 container.
Còn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, theo Cục Hải quan tỉnh, tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh hiện còn 348 container nhựa phế liệu và 5 container hàng đã qua sử dụng. Để giải quyết các container phế liệu tồn đọng, Cục Hải quan tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc rà soát và thông báo cho DN có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng khẩn trương làm thủ tục thông quan. Đồng thời, phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày; tiến hành rà soát, sớm giao cho cơ sở xử lý chất thải tiêu hủy các lô hàng phế liệu.
Theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, đối với việc xử lý hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày, hàng năm, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyết định thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng và do lãnh đạo Cục hải quan làm Chủ tịch hội đồng; các thành viên là lãnh đạo Chi cục Cục Hải quan và các sở, ban, ngành địa phương có liên quan. Đối với hàng hóa tồn đọng xử lý bằng biện pháp tiêu hủy, được thực hiện theo các hình thức sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, đốt, chôn lấp và hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng theo hình thức tiêu hủy trong nước đang áp dụng hiện nay khiến Việt Nam trở thành nơi xử lý “rác công nghiệp”, “rác phế liệu độc hại” của các nước tiên tiến và đang đặt ra vấn đề ảnh hưởng về lâu dài đối với môi trường. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành về quản lý hàng phế liệu nhập khẩu, tiêu hủy hàng hóa phế liệu tồn đọng, trả lại hàng phế liệu độc hại về nơi xuất xứ… Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, triển khai các biện pháp ngăn chặn khi hàng phế liệu độc hại vẫn còn trên tàu; không cho phép bốc dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện đáp ứng các quy định pháp luật bảo vệ môi trường vào lãnh thổ nước ta.
NHỰT THANH