Tốt nghiệp THPT, anh Thanh - đồng hương với tôi ở một làng quê vùng đồng chiêm trũng - không thi vào cao đẳng hay đại học như bao bạn bè cùng trang lứa mà quyết định nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đi học nghề hàn tại Trường Kỹ thuật và Công nghệ LILAMA 2 (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA-2, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Chịu khó, cẩn thận và ham học hỏi, khi ra trường với tấm bằng nghề loại giỏi, anh vào làm việc tại một doanh nghiệp dầu khí ở TP. Vũng Tàu với mức thu nhập đủ để lo cho con cái học hành đầy đủ và nuôi sống gia đình. Sau vài năm, anh đã mua được đất xây nhà và chuyển từ Đồng Nai xuống định cư tại phường 11, TP. Vũng Tàu để tiện việc đi lại.
Anh Thanh là một trong những trường hợp hiếm hoi đi ngược xu thế thời đại từ nhiều năm trước, và tôi tin rằng anh đã đi đúng hướng. Quê tôi giờ đây đang đổi thay từng ngày. Khu công nghiệp, nhà máy mọc lên thay cho những cánh đồng lúa bát ngát ngày nào. Thanh niên quê tôi giờ ít người chịu ở nhà làm ruộng. Người học được thì quyết tâm thi vào đại học, cao đẳng. Người không có điều kiện đi học thì đi làm công nhân. Điều đáng nói, một số người học xong đại học nhưng không xin được việc làm ở thành phố vì học ngành xã hội không có nhu cầu. Sau vài năm bám trụ với những công việc tạm bợ nơi đô thành, một số người quyết định về quê làm công nhân, dẫu sao cũng được gần gia đình và không phải lo chỗ ăn, chỗ ở. Vậy là tấm bằng đại học đành cất kỹ trong tủ. Hàng trăm triệu đồng chi tiêu cho 4 năm học trở nên vô nghĩa. Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn cử nhân trên cả nước, khi họ đang thất nghiệp, hoặc không có việc làm đúng nghĩa, đúng chuyên ngành được đào tạo.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, trong buổi gặp gỡ, đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vấn đề giải quyết việc làm cũng đã được nhiều bạn trẻ đặt ra. Một số thanh niên trăn trở việc tìm ngành nghề, công việc phù hợp năng lực, trình độ tay nghề sao khó quá? Giải đáp ý kiến của thanh niên, ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH khẳng định: Cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, tay nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên cần phải học tập, trang bị kiến thức, nghề nghiệp vững chắc thì mới cạnh tranh được với lao động ngoài tỉnh. “Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 15 KCN, thu hút 58.000 lao động, nhưng số lao động là người địa phương chỉ chiếm 48%”, ông Hồng nhấn mạnh và cho rằng, giải pháp nâng cao tay nghề cho thanh niên là phải phấn đấu và không ngừng học tập. “Có người học sơ cấp nghề nhưng lương cũng cao, như nghề hàn có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ khả năng đào tạo nhân lực phục vụ các KCN, các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, ông Hồng khẳng định.
Tình trạng thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề nan giải. Gần như mỗi tháng, ngành lao động đều tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm. Trong những phiên giao dịch việc làm đó, DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động rất lớn nhưng không thể tuyển được đủ người. Thậm chí, số lao động đến phiên giao dịch còn ít hơn cả số lao động mà DN cần tuyển. Nguyên nhân chủ yếu là DN cần người lao động có tay nghề, trong khi các ứng viên không đáp ứng được điều kiện này.
Người xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghĩa là, người nào có một nghề đạt đến trình độ tinh thông, thuần thục, giỏi giang thì sẽ đạt được thành công và vinh hiển sau này. Câu chuyện về anh Thanh mà tôi đã dẫn chứng nêu trên là một ví dụ. Đã đến lúc tư tưởng sính bằng cấp, quyết vào đại học bằng mọi giá cần phải được thay đổi bằng việc học thông một nghề để kiếm sống. Muốn làm được điều đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường và xã hội cần được thực hiện thường xuyên và có chất lượng hơn. Ngành lao động cần dự báo chính xác nhu cầu lao động, phối hợp các cơ sở đào tạo nghề chủ động tiếp cận học sinh để có định hướng và tư vấn nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở thích của học sinh và bảo đảm “đầu ra” của ngành nghề đào tạo. Có như vậy, trường nghề mới thu hút đông học sinh và cung cấp được nguồn nhân lực có tay nghề cho DN.
NGUYỄN ĐỨC