Nhân lực cho thời đại 4.0

Thứ Ba, 15/10/2019, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới, tác động trực tiếp đến Việt Nam, tạo ra cả thời cơ và thách thức. CMCN 4.0 là một cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng cao và thiếu trầm trọng lao động công nghệ thông tin là một trong những thách thức hàng đầu đối với từng địa phương và DN.

CMCN 4.0 là nền tảng để nước ta chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức và làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” xác định rõ, đến năm 2025, nước ta phải xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% đến các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7% /năm; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm…

Với việc dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học, robot thế hệ mới, CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung cầu lao động. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, mà thay vào đó là sự cạnh tranh về nhân lực trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn (như: ngành điện tử, viễn thông, số hóa, ngành công nghệ sinh học, kỹ thuật viên máy tính, an ninh mạng, in 3D…). Kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc và sản xuất hiện nay của nhiều DN. Hàng loạt nghề nghiệp cũ dần dần bị thay thế, thị trường lao động bị phân hóa mạnh giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Kể cả việc làm của những lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị thêm những kỹ năng mới. Để tận dụng tốt thời cơ từ CMCN 4.0 vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu là sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, trong đó cần coi trọng công tác đào tạo lao động chất lượng cao. Thực tế đã chỉ ra rằng, tuy nước ta đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, thời kỳ mà mà dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 58,9% tổng dân số) thì nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang thiếu hụt cả về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu.

Có thể khẳng định rằng, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Theo tính toán, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin được dự báo sẽ tăng 47%/ mỗi năm, trong khi số sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường chỉ tăng 8%/năm. Trong số nhân lực ấy, không phải tất cả đều có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Do đó, các địa phương, DN muốn ứng dụng CMCN 4.0 vào thực tiễn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) xác định: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong các nhà trường”. Việc ứng dụng CMCN 4.0 nhanh hay chậm có vai trò quan trọng của các DN khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại cho người lao động; tạo điều kiện để người lao động có tay nghề thấp tiếp cận và nắm bắt những tri thức mới khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất kỹ thuật cao. Đối với các cơ sở đào tạo, cần phải luôn coi trọng công tác quản lý tốt chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực thông qua các hình thức đánh giá năng lực thực hành của học viên trong quá trình học tại trường, tăng cường thực hiện phúc tra kết quả đào tạo, kết quả tốt nghiệp, thay cho cách quản lý như hiện nay. Đồng thời, cần đổi mới tư duy và mục tiêu đào tạo nguồn lực lao động chất lượng cao, chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo mà người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn.

HOÀNG LÊ
;
.