Một ngày trung tuần tháng 9/2019, người dân sống trên đường Lê Hồng Phong, P.7, TP.Vũng Tàu đã một phen hoảng vía khi nghe tiếng súng chát chúa vang lên từ căn nhà số 204. Hỏi ra mới biết vào thời điểm trên, một nhóm thanh niên đi trên hai xe bán tải bị một nhóm thanh niên khác cầm hung khí đòi đánh. Nhóm thanh niên đi xe bán tải đã nổ súng làm nhiều người trong nhóm này bị thương.
Khuya 10/3/2019, người dân sống ven đường liên xã Phước Hưng - Phước Tỉnh, huyện Long Điền chứng kiến hai nhóm thanh niên cầm hung khí lao vào chém nhau loạn xạ. Trong lúc hai nhóm hỗn chiến, người dân nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, khiến họ hoảng sợ, đóng kín cửa. Sáng ra mới biết, hai nhóm thanh niên đã dùng súng và nhiều loại hung khí khác để thanh toán lẫn nhau.
Ngày nay, các loại “hàng nóng” - kể cả súng quân dụng, hầu như có ở khắp các địa bàn nước ta. Chúng được những đối tượng xấu sử dụng để gây án hoặc thanh toán lẫn nhau mà 2 vụ việc trên là những ví dụ.
“Hàng nóng” thuộc loại quốc cấm, vậy chúng ở đâu ra mà nhiều vậy?
“Mua hàng cấm dễ như mua rau!” - Những người rành chuyện chia sẻ. Ở trên mạng nhiều trang web rao bán công khai đủ loại “hàng nóng”. Chỉ cần gõ các từ khóa: mua bán roi điện, đao kiếm, súng… và một cú “kích chuột” lập tức nhiều trang web hiện ra giới thiệu đầy đủ từ thông số, giá cả, cho đến cả hướng dẫn phương thức giao dịch. Không ít trang facebook còn ngang nhiên rao bán vũ khí quân dụng như AK, K54, K59, Colt... được nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia…
Ở ngoài đời thực, việc tàng trữ, giao dịch mua bán “hàng nóng” cũng nhộn nhịp không kém - tất nhiên là giao dịch ngầm. Phần lớn số “hàng nóng” này được tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, từ đó vận chuyển sâu đến các tỉnh, thành trong cả nước và những kẻ tội phạm, có ý đồ xấu tìm mua những món hàng cấm này không mấy khó khăn.
Việc bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế phá nhiều vụ vận chuyển mua bán số lượng lớn súng điện, súng bắn đạn cao su, roi điện, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, kiếm, đao, mã tấu, dao găm, dao bấm, ba-ton ở các địa phương đã cho thấy điều đó. Qua điều tra các vụ án cướp của giết người hoặc thôn tín nhau giữa các băng nhóm xã hội đen, lực lượng công an cũng đã phát hiện, thu giữ nhiều hung khí gây án. Kiếm kiểu Nhật đút trong vỏ có nạm bạc, khắc nổi hình rồng, mã tấu hoặc giáo mác, dao phớ dài cả mét “Made in China”, súng AK… chuyên để gây tội ác, mang tính sát thương cao chiếm phần lớn trong số hung khí này.
Buôn hàng cấm một vốn bốn lời. Câu truyền miệng này cho biết vì sao các đối tượng buôn “hàng nóng” - dù biết là trái pháp luật có thể bị phạt tù, vẫn không từ một thủ đoạn nào để đưa hàng cấm vào nội địa tiêu thụ. Bằng các hình thức xé lẻ hàng hóa, vận chuyển lén lút vào ban đêm qua các đường mòn biên giới hoặc giấu kỹ hàng dưới các thùng hàng hóa hợp pháp như hoa quả, vải vóc, quần áo... các đối tượng đã đưa trót lọt nhiều loại hàng cấm qua biên giới để từ đó tuồn sâu vào nội địa nước ta.
Bất cứ ai cũng có thể nhận ra những hệ lụy do các loại hàng cấm này mang lại, đó là nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội. Một khi các loại “hàng nóng” này rơi vào tay những đối tượng xấu thì hậu quả khó lường. Đã có không ít vụ cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… xảy ra, và “hàng nóng” là một trong những phương tiện gây án của các nghi can.
Muốn ngăn chặn tình trạng vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng “hàng nóng” phải làm quyết liệt từ gốc. Điều đó đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, hải quan cửa khẩu, công an, biên phòng làm tốt hơn nữa khâu quản lý, kiểm soát tại những địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới để phát hiện, chặn đứng nguồn cung; Tiến hành rà soát, gỡ bỏ các website có nội dung quảng cáo, rao bán các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; Mặt khác, chủ động mở nhiều đợt tổng kiểm tra và cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau cùng, một biện pháp không thể thiếu, đó là cần truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng buôn bán, vận chuyện hàng cấm. Chỉ như vậy mới đủ sức răn đe, hạn chế các đối tượng, thành phần buôn bán, tàng trữ, sử dụng “hàng nóng” một cách dễ dàng, thoải mái như hiện nay.
HẢI LĂNG