"Cọc đi tìm trâu"

Thứ Sáu, 04/10/2019, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Bạn tôi đã ví von khá hình tượng như vậy khi tham dự buổi lễ phát động “Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019” vừa được tổ chức ở địa phương bạn sinh sống khi chứng kiến những góc nhỏ thuận tiện của sân trường, lớp học đều bố trí kệ sách. Sách với đủ các thể loại, phù hợp với lứa tuổi học sinh được bày biện đẹp mắt, sinh động ở những nơi dễ thấy, vừa tầm với để các em có thể tiện tay cầm đọc đầu giờ lên lớp, trong giờ ra chơi, hoặc cuối buổi học vì lý do nào đó, có em còn nán lại. 

“Cọc đi tìm trâu”, nghe có vẻ khá xa lạ với việc học hay đọc sách, nhưng lại đúng ở trường hợp này, khi nhiều trường học, thư viện, chính quyền địa phương và thậm chí là các tổ chức, cá nhân ở cộng đồng đã bằng nhiều cách khác nhau để đưa sách đến tận tay người đọc. 

“Cọc đi tìm trâu” khi sách được các thư viện tổ chức hình thức lưu động đến tận địa bàn dân cư, trường học, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu đọc, nhu cầu tự học qua sách vở của cư dân địa phương, khách du lịch. 

“Cọc đi tìm trâu” khi các nhà xuất bản cùng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức “đường sách”, “cà phê sách” ở các tuyến phố, khu dân cư… cũng nhằm mục đích đưa sách đến gần hơn với người đọc ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. 

“Phát triển thói quen đọc để trở thành người học suốt đời” là chủ đề khá hay của “Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019” khi nhấn mạnh đến “người thầy” lặng lẽ là sách. Sách là người thầy của bất cứ ai ham học, tự học, kể cả cho các cụ ông, cụ bà đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. 

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Việt Nam ngày 1/9/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục. Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Người đã không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm vào ngày 9/12/1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau : “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

Tuy nhiên, muốn sách thành “người thầy” đúng nghĩa cũng cần có phương pháp, biết chọn lọc sách để đọc và áp dụng vào thực tiễn công việc, cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quý” nhưng Người cũng nhấn mạnh: “Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”. Trong thời đại công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0, việc học có nhiều hình thức phát triển về phương pháp. Chúng ta có nhiều cách thức để học tiện lợi và nhanh chóng hơn, qua internet, qua mạng xã hội... đòi hỏi phải có thái độ và kỹ năng chọn lọc, tư duy để phân biệt đâu là tri thức, đâu là thông tin rác.

“Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019” diễn ra từ 1 đến 7/10, với việc phát động phong trào xây dựng “tủ sách lớp học” trong các trường tiểu học, THCS; triển khai xây dựng “tủ sách học tập suốt đời” tại các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ quan, công sở, đơn vị. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phù hợp đối tượng người sử dụng ở từng vùng, miền, địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp nhiều cơ hội cho người dân được học tập thường xuyên, từ đó khuyến khích thói quen, nhu cầu học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuần lễ là điểm nhấn để các cấp chính quyền, cộng đồng quan tâm hơn đến việc học tập, đặc biệt là tự học và học qua sách không chỉ duy trì trong một tuần rồi thôi!

TRUNG HIẾU 

;
.