Chuyện thu hút nhân tài lại “nóng” lên, thu hút sự quan tâm của dư luận khi tuần rồi, Quốc hội thảo luận tại hội trường để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Có đến 18 đại biểu tranh luận về vấn đề nhân tài và chính sách thu hút nhân tài, nên hay không luật hóa nội dung này hay chỉ cần đề ra cơ chế đãi ngộ tốt để thu hút. Quan điểm công chức làm việc trong cơ quan Nhà nước không phải vì tiền cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tranh luận sôi nổi.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói khái niệm về tài năng trong tổng thể chung “rất khó”, mỗi ngành, lĩnh vực có tiêu chí và yêu cầu riêng. Vì vậy, trong các phương án trình, Ban Soạn thảo chỉ xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao Chính phủ quy định khung chính sách thu hút.
Dư luận chú ý đến quan điểm của đại biểu Dương Trung Quốc khi ông đề nghị không nên hiểu theo nghĩa nhân tài ở đây là xuất chúng, kiệt xuất, là thiên tài thì sẽ bị vượt ra khỏi phạm vi của luật này là Luật Cán bộ, công chức. Ông cho rằng bộ máy công quyền rất cần những người có năng lực. Còn hiểu nhân tài là xuất chúng, kiệt xuất, thiên tài thì không nằm trong phạm vi của Luật này. Một công chức khó có thể phát hiện ra điều gì kiệt xuất, vì họ phải thực hiện theo luật pháp, theo quy trình rõ ràng. Quan trọng trong dự án luật là dùng đúng người, đúng chỗ, chúng ta chỉ bàn về công chức, viên chức trong dự án luật này, chứ không phải coi tài năng trong công chức, viên chức là kiệt nhân, kiệt xuất.
Chuyện thu hút nhân tài quả có nhiều chuyện để bàn. Thời gian qua, có khá nhiều địa phương đưa ra những chính sách dùng vật chất cụ thể để thu hút nhân tài về giúp cho địa phương phát triển. Chẳng hạn có tỉnh tuyên bố, các chuyên gia đầu ngành có học vị tiến sĩ mà tỉnh có nhu cầu và tình nguyện về tỉnh công tác sẽ được trợ cấp ban đầu 50 triệu đồng, trợ cấp thêm cho đủ tổng thu nhập hàng tháng bằng 10 tháng lương tối thiểu. Ngoài ra sẽ được cấp 1 căn hộ chung cư và tạo điều kiện cho gia đình sinh sống ổn định tại địa phương. Thiện chí này của lãnh đạo địa phương rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, cho dù có nâng mức phụ cấp lên vài chục triệu đồng, cấp thêm nhà, giải quyết hộ khẩu… cũng khó tìm người tài cho địa phương nếu chỉ dựa vào đòn bẩy vật chất.
Lại có địa phương bỏ cả trăm tỷ đồng đưa “nhân tài” đi nước ngoài đào tạo nhưng nhiều người sau khi tốt nghiệp không chịu về công tác như cam kết. Thế là địa phương khởi kiện “nhân tài” ra tòa, nhờ pháp luật thu hồi kinh phí đào tạo, mặt khác dừng đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển sang hình thức thu hút, đãi ngộ khác.
Một thực tế phải chấp nhận trong xã hội chúng ta hiện nay là có sự “vàng thau lẫn lộn” nếu chỉ dựa vào bằng cấp, học vị để xét chọn người tài. Một khi học vị tiến sĩ có giá vài chục triệu đồng thì dù tốn thêm chục triệu đồng nữa để triệu mời, những tiến sĩ giấy này sẽ càng gây thêm khó cho địa phương.
Vật chất bao giờ cũng có giới hạn, với những người có năng lực thật sự, thu nhập của họ tại nơi khác thường cao hơn thu nhập họ được hứa hẹn. Thêm nữa, với những người có ý so sánh, chọn lựa để đầu quân vào nơi nào có thu nhập cao hơn cũng sẽ dễ dàng ra đi nếu có nơi khác chào mời hấp dẫn hơn. Cái quan trọng với người muốn cống hiến thường không phải là động lực vật chất. Đem một lời mời kèm theo đòn bẩy vật chất sẽ dễ gây “tự ái”, người thực sự muốn đóng góp công sức cho quê hương cũng ngại ngùng vì ngại lời rao “chục triệu, hai chục triệu đồng”.
Tiền bạc cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Lợi ích vật chất đành rằng cần thiết nhưng với “kẻ sĩ” ngày nay, cơ hội làm đúng công việc mình yêu thích, cảm nhận sự hữu ích của cá nhân trong cộng đồng là động lực lớn hơn cả. Vấn đề quan trọng hơn cả của việc thu hút nhân tài là liệu địa phương đó có tạo được điều kiện cho người tài làm việc theo đúng khả năng và nhiệt huyết của họ hay không? Với ý nghĩa đó, dư luận đồng tình với quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông (Trợ lý Chủ tịch Quốc hội): “Thu hút nhân tài đã khó, nhưng giữ chân nhân tài còn khó hơn. Nhân tài rất cần môi trường để thể hiện năng lực, do đó cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng tài năng của họ vào đúng việc, đúng sở trường”.
NGUYỄN TRIỆU HẢI