Cụm từ “Văn hóa nắm đấm” xuất hiện nhiều trong giới nghiên cứu xã hội học. Đụng chuyện là người ta xử sự với nhau bằng gậy gộc, gạch đá, nắm đấm, không còn là chuyện cá biệt.
Đêm 16/9, trên đường Lê Hồng Phong, phường 4, TP. Vũng Tàu, 2 nhóm thanh niên, do mâu thuẫn đã lao vào đấm đá, đánh nhau loạn xạ, nổ súng, khiến 3 người bị thương phải đưa vào bệnh viên cấp cứu. Kẻ quá khích bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra. Nắm đấm, mã tấu được họ sử dụng như là “đòn” thượng sách để loại đối thủ, trừ diệt nhau.
Trong gia đình, bạo hành và nắm đấm, thậm chí chém giết nhau, do mâu thuẫn tiền bạc, tranh chấp đất đai trở thành hiện tượng xã hội bức xúc. Vụ hành hạ vợ dã man - chồng say rượu nhấn vợ xuống nước tại Tây Ninh xôn xao dư luận mấy ngày qua, tiếp sau chuyện người chồng tự xưng “võ sư” vũ phu đánh vợ đang bế con nhỏ sau sinh vài tháng tại Hà Nội. Rồi một anh chồng khác đánh vợ dã man khi đang mang thai; mâu thuẫn tình ái đoạt mạng người… nằm ngoài sức tưởng tượng của người đời.
Trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội, các bác sĩ tâm lý và thần kinh cùng bàn về cách hành xử ngang phè của chàng trai tuổi 17, cưỡi trên con xe xịn, vượt đèn đỏ trên một con phố ở Hà Nội. Một người cao niên nhắc nhở, lời lẽ nhẹ nhàng: “Em kia, sao vượt đèn đỏ, tai nạn đấy!”. Chàng vẫn cứ vượt, nhưng khi đã qua đường, cậu lập tức dừng lại “hỏi tội” ông già. Đụng “đối thủ”, cậu nhổ nước bọt, văng tục chửi “lão già lắm chuyện!”.
Bác sĩ A. phân tích: “Thế giới văn minh, nhiều quốc gia phát triển. Tuy còn đói nghèo, có bộ phận dân cư thiếu ăn, thiếu mặc, ốm đau không có thuốc chữa trị, nhưng nhìn chung đời sống cộng đồng khá lên, người giàu nhiều hơn. Ấy vậy, mà khi đụng chuyện người ta lại đối xử với nhau bằng nắm đấm, với những lý do lãng xẹt, cả trong nhà và ngoài phố. Ra đường, vô cớ mang vạ vào thân không còn là chuyện hiếm”.
Bác sĩ B. nêu thêm dẫn chứng, luận bàn: “Ở TP. Biên Hòa, nhóm khách dùng cơm tối ở nhà hàng. Một thực khách bước chân ra ngoài hành lang bị ói, không may vương chút xíu vào áo quần người khách lạ. Biết lỗi, ông khách đã chân thành xin lỗi. Nhưng nhoáng cái, người khách nọ đã giơ nắm đấm táng ngay vào mặt ông khách bị ói. Thế là sinh chuyện, từ hai người trở thành hai phe nhóm, văng tục, ẩu đả loạn xạ, cảnh sát phải vào cuộc”.
Ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và nhiều nơi khác, không tuần nào, không tháng nào là không có dăm ba cuộc ẩu đả, nhóm thanh niên này vác mã tấu tấn công nhóm thanh niên kia. Thế mới có chuyện bác sĩ, thầy giáo được khuyên đi học võ thuật để phòng thân. Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân không chừng cũng bị ăn đòn...
Nhóm bác sĩ đã rất thiện ý và bức xúc nói về nguồn cội thói “Nói chuyện với nhau bằng nắm đấm”, hình thành một thứ “Văn hóa nắm đấm”. Đã đến lúc rất cần phải mổ xẻ, luận bàn dưới góc độ kinh tế, văn hóa, đạo đức để cùng nhau hành động loại trừ “nắm đấm” ra khỏi đời sống xã hội. Vẫn biết rằng, thế giới này, chuyện tốt, chuyện hay, chuyện nhân văn, thiện nguyện nhiều lắm, nhường cơm xẻ áo, chị ngã em nâng - hơn thế nó vẫn là dòng chảy chủ đạo của xã hội. Tuy vậy, ứng xử bằng bạo lực - nắm đấm không còn là cá biệt, không thể coi nhẹ, điều mà các nhà xã hội học cảnh báo: Nó đang góp phần làm băng hoại văn hóa - đạo đức; làm xấu đi quan hệ giữa con người và con người.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, trong một cuộc làm việc mới đây đã nhắc nhở các cơ quan làm công tác tuyên giáo, cơ quan báo chí cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động xã hội không thờ ơ với hiện tượng “Văn hóa nắm đấm”. Nhà trường, gia đình, xã hội - người lớn càng phải nêu gương sáng đối nhân xử thế để khẳng định, xây dựng sự ứng xử nhân văn, thấm đậm tinh thần nhường nhịn, chia sẻ, thương yêu nhau. “Văn hóa nắm đấm” là sự quay lưng với tình đồng loại, văn minh con người, nét đẹp văn hóa dân tộc.
HẢI VÂN