Tự trọng!

Thứ Năm, 26/09/2019, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Trong suốt mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội “xôn xao” với hình ảnh cụ bà Đỗ Thị Mơ, ở độ tuổi U90, ngụ tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương! Một trường hợp hi hữu đến mức ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn phải thốt lên: “Tôi chưa từng gặp trường hợp nào “hiếm có, khó tìm” như cụ Mơ. Ở xã nhiều người bị cắt sổ nghèo sẽ kiện lên kiện xuống, nếu ai cũng được như cụ thì cán bộ chúng tôi đỡ khổ”.

Cụ Mơ đúng là trường hợp “hiếm có, khó tìm” khi mà chúng ta dễ dàng bắt gặp thông tin kiểu như: “Phải trị được “bệnh” không muốn thoát nghèo”, hay “Đã có chủ tịch xã đi tù vì gửi con vào hộ nghèo để trục lợi”… Trong khi đó, cụ Mơ, một cụ bà tóc bạc phơ, giọng nói rắn rỏi khi đến chính quyền xã đề nghị cán bộ địa phương sớm đưa cụ ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bởi dù đã 84 tuổi, nhưng cụ khẳng định vẫn có thể tự lập cuộc sống của chính mình bằng việc trồng rau, nuôi gà. Cụ khẳng khái nói: “Tôi không xứng đáng đứng vô chỗ người nghèo”. Điều đáng nể là “hành trình” xin thoát nghèo của cụ đã diễn ra trong suốt hơn 1 năm qua. Giãi bày cho việc xin thoát nghèo của mình, cụ nói: “Tôi năm nay là 84 (tuổi) nhưng tôi thấy rằng những người già khỏe mạnh chỉ có nhác (lười) thì mới nghèo. Như nhà tôi đây, vườn tược như ni mà nghèo thì con cái, xã hội người ta cười cho. Còn về việc trả hộ nghèo thì từ tháng 9 năm ngoái rồi! Lúc đó có cái xe ô tô ở mô về xã đây. Nhiều người đi cho tiền, phát quần áo thì tôi thấy có bà già run tay để đi xin. Chứng kiến cảnh như vậy thì một là tôi thấy thẹn, hai nữa là tôi ôm quần áo họ phát cho tôi rồi sau đó đứng lên người ta chụp ảnh thì không đúng nữa, bởi vì tôi thấy mình không xứng đáng đứng vô đó”.

Vâng, tự trọng đó là hai từ ngắn gọn nhất để diễn tả hành động xin thoát nghèo của cụ Mơ, một cụ bà nông dân ở tỉnh miền Trung còn nhiều khó khăn, cực nhọc. Và sổ hộ nghèo với nhiều người là một tài sản lớn khi nhờ nó mà họ được nhận những chính sách ưu đãi dành cho các thành viên có tên trong hộ. Ra khỏi hộ nghèo, cụ Mơ sẽ không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, không được trợ cấp tiền điện hàng tháng và cũng không được nhận quà Tết vào dịp cuối năm… Nhưng cụ thấy rất vui vì mình nên nhường những quyền lợi ấy cho những người còn khổ hơn cả mình.

Tự trọng, trong mỗi con người đều có sẵn, tôi tin là như vậy, chỉ là trong cuộc sống với nhiều nỗi lo toan khác nhau, vì nhiều lý do khác nhau mà ở mỗi người sự tự trọng ấy còn lại nhiều hay ít, có được bồi đắp cho mỗi ngày một lớn dần hơn hay không.

Mới đây, tôi có dịp đến thăm một trường hợp em học sinh THPT, gia cảnh em khá éo le. Ba em mất từ khi em còn chưa lọt lòng mẹ vì bạo bệnh, mẹ em một mình nuôi em ăn học, thu nhập chính chỉ dựa vào gánh trái cây lặt vặt ở chợ quê. Nhà còn chưa có để ở, phải thuê trọ mỗi tháng hơn 1 triệu bạc, trong khi thu nhập của mẹ em mỗi ngày nhiều lắm chỉ vài trăm ngàn đồng tiền lời. Em bị tai nạn, nhiều người đến giúp đỡ, chính quyền địa phương cũng chia sẻ và đề nghị đưa vào danh sách hộ nghèo, vậy nhưng em nói mẹ mình từ chối. Ở trường, không ít lần thầy cô cũng đề nghị mẹ em nên đề xuất địa phương để xin vào hộ nghèo, nhưng em đều cản mẹ. Có nhiều người sẽ cho rằng cậu học trò chỉ vì sĩ diện hão mà từ chối để khỏi bị “gắn mác” hộ nghèo, nhưng như lời em giãi bày thì lại khác. Em cho rằng, mẹ mình còn trong độ tuổi lao động, có việc làm dù thu nhập không cao, em cũng phụ mẹ mỗi khi rảnh rỗi và hai mẹ con vẫn đủ sống về cơ bản. “Chỉ vài năm nữa thôi, em đã trưởng thành, có thể vừa học nghề, vừa đi làm để phụ mẹ. Vì vậy em không muốn mình hưởng chính sách từ hộ nghèo khi mà vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn cả mình…” cậu học trò tự tin nói.

Tôi từng chứng kiến, có những hộ nghèo chỉ chờ chực đến chính sách ưu đãi của Nhà nước, những tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tập thể. Họ sử dụng “sự nghèo” của mình để đổi chác lòng thương hại của cộng đồng, sống lay lắt qua ngày trong sự lười nhác. Ở một hộ nghèo mà tôi từng ghé thăm trong chuyến thiện nguyện đã bắt gặp hình ảnh cả một khoảnh vườn khá rộng bao quanh nhà cỏ lên xanh tốt. Cả gia đình 5 người thì có đến 4 người trong độ tuổi lao động nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Có trường hợp mới tầm 9 giờ sáng của một ngày đầu tuần, người chồng tuổi ngoài 40 đã lăn ra ngủ say sưa sau khi nhấp vài ba ly rượu...

Trên thực tế, trong khi chờ đợi lòng tự trọng được “nuôi lớn” và lan rộng ở cộng đồng thì ngoài việc sàng lọc kỹ ở cấp cơ sở, Nhà nước cũng cần nỗ lực hoàn thiện chính sách giảm nghèo, trong đó đặc biệt là điều chỉnh theo hướng giảm “cho không”; thay vào đó là hỗ trợ một phần và tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo theo hình thức chỉ “trao cần câu”…

MINH ĐỨC

 

;
.