Hơn 2 năm nay, anh Hồ Văn Bá (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) không còn phải bỏ hoang ruộng vào mùa khô nữa. Theo anh Bá, bình thường vào thời điểm mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, bà con nông dân thường bỏ ruộng lúa không canh tác. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các ruộng lúa không đủ nước thì có những khu vực gần như phải bỏ hoang. Chỉ từ khi áp dụng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh 1 vụ lúa - 2 vụ màu (bắp hoặc đậu phộng) hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ màu, năng suất thu hoạch cao hơn, thu nhập bà con nông dân được cải thiện nhiều. “Bình thường, 1ha trồng lúa vụ Đông Xuân, gia đình tôi chỉ có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm, nhưng luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ bắp - 1 vụ đậu, thu nhập đã tăng lên 65 triệu đồng/năm” anh Bá nói.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó anh Bá cũng như nhiều nông dân khác phải mất đến vài năm không có thu nhập từ đồng ruộng để học hỏi kinh nghiệm cũng như trồng thí điểm. Và họ nhận thấy, trong điều kiện khí hậu như hiện nay, việc luân canh các loại cây trồng trên đất lúa là mô hình dễ áp dụng, nhân rộng đại trà, giúp tăng lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình luân canh còn mang lại nguồn đạm tự nhiên, tăng độ màu mỡ cho đất canh tác. Trong khi đó, tại các vùng dễ bị xâm nhập mặn như Phước Thuận (Xuyên Mộc), Lộc An (Đất Đỏ)… sau những vụ tôm bị dịch bệnh, vụ mùa mất trắng, bà con nông dân đã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật để thích ứng với thời tiết cực đoan.
Theo chuyên gia môi trường, cũng như nhiều địa phương khác, BR-VT phải đối mặt với nguồn nước cạn kiệt do biến đổi khí hậu, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cục bộ vào mùa khô. Biến đổi khí hậu cùng với nước biển dâng sẽ làm cho các nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho nuôi trồng trong sản xuất nông nghiệp - ngành rất dễ bị tổn thương trước thiên tai do phụ thuộc nhiều vào khí hậu. Kết quả khảo sát gần đây của ngành chức năng cho thấy, tốc độ dâng lên của mực nước trung bình tại BR-VT khoảng 3mm/năm. Trong đó mực nước tối cao dâng lên khoảng 4,4mm/năm, còn mực nước tối thấp có xu hướng giảm với thời gian khoảng -0,8mm/năm. Diễn biến rõ nét của biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở, lốc xoáy, xâm nhập mặn sâu với nồng độ mặn ngày càng cao, tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển nông nghiệp trong thời gian qua.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, không còn cách nào khác là phải chủ động thích ứng với tình hình mới. Có thể thấy như tại Israel, nơi nền nông nghiệp đang phát triển hiện đại và bền vững trên sa mạc, công nghệ cao đã tạo ra điều kiện phù hợp cho cây trồng, vật nuôi bất chấp thời thiết khắc nghiệt. Tại BR-VT, mới đây cơ cấu cây trồng đã được tỉnh điều chỉnh diện tích cho thích hợp. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có hơn 2.000ha diện tích canh tác lúa tại địa bàn các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm, hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản để tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, một trong những mục tiêu mà tỉnh đang thực hiện là hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ít phụ thuộc vào đất đai, thổ nhưỡng cũng như sự biến đổi của thời tiết.
Rõ ràng kể cả nông dân cũng như chính quyền địa phương đã có những hướng đi phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để các mục tiêu trên đạt hiệu quả bền vững, cần có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy đầu tư cụ thể. Về phía nông dân cũng cần có sự đổi mới, thay đổi tư suy sản xuất từ bị động sang thế chủ động, sẵn sàng thích ứng.
NGÔ GIA