Vừa thấy khách đến nhà, bé Bông lon ton ra đón khách cùng nội, bé khoanh tay trước ngực, cất giọng còn ngọng líu ngọn lô “con chào ông Sáu ạ”. Bé Bông lên 4 tuổi, là cháu nội của ông Ba, một người gốc Nam Bộ, cả gia đình 4 thế hệ cùng chung sống dưới một nếp nhà ở vùng ngoại ô. Đến tận thế hệ con cháu ông về sau này vẫn giữ nguyên gia phong của gia đình, kính trên, nhường dưới và giữ nguyên đạo hiếu của cư dân Nam Bộ, cởi mở, gần gũi, hiếu khách, lịch thiệp trong nết ăn, ở. Các con ông, dù đã trưởng thành, nhưng đều một câu “dạ thưa”, hai câu “dạ thưa” với người lớn tuổi; thậm chí khi có các cô, bác là bạn của ba mẹ mình đến nhà chơi thì đều khoanh tay, cúi đầu chào chứ không cứ gì đứa trẻ lên 3, lên 4.
Những ai đã từng một lần được xem múa rối nước-một trong những “đặc sản văn hóa Việt Nam” có lẽ không thể nào quên nét đẹp của một loại hình văn hóa truyền thống có nguồn gốc từ cư dân vùng châu thổ Sông Hồng. Những nghệ nhân ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển những con rối diễn theo các tích dân gian vô cùng sinh động, hấp dẫn, khiến du khách nước ngoài cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Là người Việt Nam ít ai không biết đến câu “ăn Bắc, mặc Nam” để ẩn í đến nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Vâng, văn hóa tạo nên tính cách, tạo nên giá trị tinh thần… của mỗi dân tộc mà các thế hệ phải bồi đắp, giữ gìn và hoàn thiện.
Văn hóa được hiểu theo nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”.
Theo quan niệm của Người, văn hóa chính là biểu hiện của sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn,... của con người và của mỗi cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Đó là cách tiếp cận không chỉ coi văn hóa đơn thuần là đời sống tinh thần của con người - xã hội mà từ trong bản chất của mình: văn hóa chính là linh hồn của một xã hội, là sức mạnh trường tồn của một dân tộc, là sức sống vươn lên của thời đại.
Coi trọng vai trò của văn hóa trong toàn bộ đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Người nói: “Đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng phải nằm trong văn hóa. Người chỉ rõ: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước. Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta”.
Thực hiện di huấn của Người, trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xác định văn hóa là một trong những nội dung không thể tách rời của xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận định và chỉ ra những điểm yếu trong suy thoái về văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đó là tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; một bộ phận thanh niên có lối sống thiếu lý tưởng, ăn chơi, nghiện ngập; một bộ phận gia đình thiếu tình thân, mất nhân tính; xu hướng chạy theo đồng tiền, thị hiếu thấp kém làm suy giảm chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học-nghệ thuật… mà chúng ta cần phải cấp bách chấn chỉnh.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã cụ thể hóa những yêu cầu trên.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 33, phải tăng cường giải pháp tuyên truyền, giáo dục; phải làm cho mỗi người không chỉ nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình mà còn phải thực thi trách nhiệm đó một cách tốt nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Việc chú trọng phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với chính trị và kinh tế; phải “thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế”; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà một trong những nội dung quan trọng chính là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể, văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời, phải làm cho văn hóa góp phần “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên” để làm “đầu tàu” cho quần chúng.
Chúng ta phải nhìn nhận rõ: kinh tế suy yếu một vài năm có thể sẽ phục hồi nhưng nếu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa thì phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi.
CHÂU DIỄN