Khoảng trống nơi "không có quan hệ lao động"

Thứ Sáu, 20/09/2019, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa trưa, mùa gió chướng, cây cối bị quật ngả nghiêng, chỉ cần đứng sát mép công trình xây dựng một lúc đã nham nhám, ram ráp do bị bám một lớp cát trên da mặt, cát chui cả vào tóc, lẫn vào quần áo. Ở một công trình gần đó, 5 công nhân xây dựng tuổi đời chưa tới 30, đang bám vào thang bắc ở gờ tường để chà bả matit trước khi sơn nước. Cả 5 đều không khẩu trang, không dây bảo hộ, thậm chí là cởi trần… đầu tóc, mặt mũi, tay chân bám đầy bụi bả matit. 

Quang, 1 trong số 5 công nhân kể, anh làm công việc này đã 5 năm, cho một thầu sơn nước, chuyên làm các công trình dân dụng, nhà ở tại các khu dân cư. Chủ của anh không ký hợp đồng lao động với anh, lương được trả vào cuối tuần theo hình thức khoán việc. Anh chưa từng được cấp bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động nào, cũng như hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) từ chủ sử dụng lao động. “Thời gian đầu, tôi có sử dụng khẩu trang y tế. Nhưng lâu dần thì bỏ không đeo nữa do vướng víu, mà những người làm cùng không ai sử dụng cả”, Quang nói, trên khuôn mặt chỉ còn lộ mỗi hai con mắt là không bị phủ lớp bụi trắng. Ở một không gian khác, thợ gỗ đang dùng máy mài để chà bề mặt cửa, cũng không ai dùng khẩu trang, nút tai, cho dù bụi gỗ mù mịt và tiếng ồn đến khó chịu. 

Quan sát tại công trường xây dựng, hầu hết là lao động trẻ, nhưng gần như không ai sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, thỉnh thoảng mới có người đi ủng cao cổ vì lý do trộn hồ nên nếu không dùng ủng sẽ lấm lem vào quần áo, khó gột rửa. Ở những công trình này, chủ yếu là các nhà thầu nhỏ, không ký hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ thỏa thuận miệng, trả công nhật, người lao động đôi khi chỉ làm vài hôm rồi nghỉ. 

Có thể nôm na gọi môi trường lao động thiếu ràng buộc về mặt pháp lý này là “không có quan hệ lao động” và vấn đề ATVSLĐ gần như nằm ngoài tầm kiểm soát, chưa được quan tâm đúng mức. Ở môi trường lao động này, người lao động chỉ nghĩ đến an toàn cho mình trên một phương diện hạn hẹp là “không té ngã, không ảnh hưởng đến tính mạng”. Còn sâu xa hơn như tác hại của bụi, tiếng ồn, hóa chất,… ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe hay bệnh nghề nghiệp, thì không ai tính đến. Và thậm chí, việc bảo đảm “không té ngã” cũng khó được duy trì, khi trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra chỉ bởi người lao động chủ quan, không tuân thủ quy trình ATVSLĐ.

Ở một môi trường khác, trong lao động nông nghiệp, nông thôn cũng rơi vào tình trạng này. Lao động trẻ còn ít quan tâm, thiếu kiến thức ATVSLĐ. Tình trạng lao động nông thôn không tự bảo vệ mình trước nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất diễn ra phổ biến. Thậm chí, chủ quan trước an toàn khi vận hành các thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp, ít ai chịu kiểm định thiết bị theo khuyến cáo. 

Ở Việt Nam, vấn đề ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp lâu nay được coi trọng trong lĩnh vực có quan hệ lao động với các chính sách pháp luật, chế tài khá chặt chẽ. Ngược lại, đang tồn tại một khoảng trống về kiến thức và thái độ về ATVSLĐ trong lĩnh vực phi chính thức, nơi “không có quan hệ lao động”. Hiện Bộ LĐTBXH đang xem xét tham mưu trình Chính phủ ban hành quy định áp dụng đối với “khu vực không có quan hệ lao động” về ATVSLĐ. 

Tuy nhiên, ở thời điểm này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức cho lao động trẻ, đặc biệt trong nông nghiệp, trong môi trường lao động tự do để họ hiểu sâu hơn về các khái niệm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cơ bản. Đào tạo và thông tin cho lao động trẻ cần nhấn mạnh hậu quả tiêu cực của các sự cố an toàn lao động cũng như hướng dẫn về các yêu cầu để có an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tốt hơn. 

Đừng để “khoảng trống” trong ATVSLĐ mà đối tượng chính là lao động tự do, lao động nông thôn thuộc “khu vực không có quan hệ lao động” nhằm bảo vệ người lao động trước những yếu tố nguy cơ. 

SƠN TRÀ

;
.