Giảm áp lực cho giáo viên

Thứ Hai, 02/09/2019, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay trước thềm năm học mới 2019-2020, đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi và giảm áp lực đối với giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ về giảm sổ sách, áp lực cho các thầy cô và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. “Chúng tôi thấy các thầy cô ở bậc mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều sổ sách không cần thiết. Có nơi áp dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử rồi nhưng vẫn bắt giáo viên phải in ra và ký vào. Như vậy, việc giảm sổ sách vẫn chưa thật ý nghĩa. Phải cùng nhau từng bước giảm áp lực không đáng có cho các thầy cô”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, áp lực là một phần tất yếu ở bất kỳ ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo viên. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Áp lực quá lớn thì dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ giáo viên ở các cấp học đang gặp rất nhiều áp lực, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, công tác quản lý đến những áp lực từ môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Trong đó, áp lực không đáng có thường đến từ những nhiệm vụ ngoài chuyên môn, từ gánh nặng thủ tục hành chính, sổ sách, đến các quy định riêng của địa phương, nhà trường. Đặc biệt, với phương thức dạy học của nước ta từ nhiều năm nay chủ yếu là cung cấp kiến thức cho học sinh nên dẫn đến tình trạng chạy theo điểm số, thi cử, thành tích và các chỉ tiêu thi đua khác. Những yếu tố đó đã tạo áp lực lên cả giáo viên và học sinh, khiến nhiều buổi học, tiết học trở nên căng thẳng, mệt mỏi.

Áp lực không đáng có đối với giáo viên đã được ngành giáo dục quan tâm và rốt ráo chấn chỉnh từ nhiều năm nay, nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Nếu làm một phép thống kê về các loại hồ sơ sổ sách mà hiện nay các thầy giáo, cô giáo đang phải thực hiện, nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Ngoài những cuốn sổ truyền thống, như: Giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài, sổ dự giờ (1 năm đủ 18 tiết), sổ chủ nhiệm, thì tại nhiều địa phương, nhiều trường còn phát sinh thêm các loại sổ, như: Sổ hội họp, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ học bồi dưỡng thường xuyên. Đối với giáo viên mầm non còn phải gánh thêm: Sổ đón trả trẻ, sổ theo dõi bán trú, sổ theo dõi việc uống thuốc hàng ngày…

Với những người làm công tác giáo dục thì không thể không có sổ sách, không thể không ghi chép, vì đó là một trong những công việc hằng ngày để họ có cơ sở, căn cứ, tư liệu giảng bài và theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Nhưng vì sao giáo viên ở nhiều nơi lại phải gồng gánh nhiều loại sổ sách như vậy? Lý giải về thực trạng này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn tư duy quản lý quan liêu, yêu cầu giáo viên phải có nhiều loại sổ sách để dễ theo dõi, quản lý chất lượng dạy học. Mặt khác, xuất phát từ áp lực thi đua, thành tích, nên bất cứ hoạt động nào cũng phải ghi vào sổ theo dõi để thuận tiện cho việc chấm điểm khi thực hiện kiểm tra, giám sát.

Cách đây 5 năm, Bộ GD-ĐT đã từng ban hành công văn, tiếp đó là các Chỉ thị nhằm chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách tại các nhà trường, trong đó có quy định giáo viên chỉ phải làm 4 loại sổ sách là: Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (trừ giáo viên tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm chủ nhiệm lớp). Hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT là vậy, nhưng tại nhiều địa phương, trường học còn tự ý đặt ra các quy định riêng, yêu cầu giáo viên phải làm thêm các loại sổ sách khác để tiện theo dõi, quản lý…

Giảm áp lực không đáng có cho các thầy cô trong năm học 2019-2020 cần được triển khai đồng bộ và việc cần làm đầu tiên là giảm gánh nặng thủ tục hành chính, sổ sách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết và đăng ký thi đua một cách thiết thực. Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục địa phương và nhà trường cần thay đổi tư duy quản lý, kịp thời đổi mới phương pháp quản trị, điều hành và kiên quyết cắt bỏ những loại sổ sách ngoài quy định của Bộ GD-ĐT.

HOÀNG LÊ 

 

;
.