Liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã khiến dư luận hết sức bất an. Trong 4 tai nạn, vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe ô tô 16 chỗ tại tại điểm giao nhau giữa đường dân sinh với đường sắt gần ga Sông Lòng Sông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) sáng 31/7 là nghiêm trọng hơn cả: 3 người chết, 1 người bị thương nặng. Sự nhức nhối của thảm kịch là lái xe 16 chỗ đã không chú ý quan sát khi đi qua đường ngang có đoàn tàu SE27 đang tới. Các vụ tai nạn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “điểm đen băng cắt”, nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc, khiến hàng ngàn người người chết và bị thương mỗi năm.
Những năm qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn xảy ra: Rào kín, xóa bỏ, cắm biển cảnh báo tại các đường ngang; Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong bảo đảm an toàn chạy tàu: Ứng dụng công nghệ tự động vào công tác giám sát và hỗ trợ phòng ngừa tai nạn, sự cố chạy tàu. Thế nhưng, chỉ nỗ lực của ngành đường sắt không thì chưa đủ. TNGT đường sắt vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Không tính số đường ngang hợp pháp có cảnh báo bằng đèn, còi tín hiệu, biển báo… cả nước hiện có tới 4.300 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. “Nhiều đường ngang dân sinh thoạt ban đầu là đường tự mở nhỏ hẹp, theo thời gian được nới rộng thành đường đi học, đi làm của một cụm, khu cư dân, muốn đóng lại cũng rất khó”.Một lãnh đạo VNR than thở.
Dọc tuyến đường sắt, hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra rất nhiều. Người dân họp chợ buôn bán sát hai bên đường; Việc chăn thả gia súc như trâu, bò dựng biển quảng cáo, cơi nới mái che sát đường sắt diễn ra thoải mái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều người điều khiển xe máy, xe ôtô còn lơ là, xem thường hiểm nguy khi băng qua đường ray, không quan sát biển báo, tín hiệu, tín hiệu nguy hiểm gần đường sắt... dù có sự cảnh báo của nhân viên gác ghi. Thống kê của ngành đường sắt cho thấy hầu hết các vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các đường ngang dân sinh và các lối đi tự mở “chết người” này.
Một đề án mang tên “Đảm bảo trật tự hành lang đường sắt và xử lý dứt điểm các lối đi tự mở” đã được VNR xây dựng, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở bất hợp pháp băng ngang đường sắt, thay vào đó là hệ thống đường gom dân sinh và hầm chui, cầu vượt và các đường ngang đạt chuẩn nhưng xem ra mục tiêu này khó thực hiện. Kinh phí bố trí cho đường sắt còn hạn chế là nguyên nhân chính. Mặt khác, không ít đường ngang dân sinh đã được ngành đường sắt rào kín hôm trước thì mấy hôm sau người dân lại phá ra để đi.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhấn mạnh “điểm đen” ý thức là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tai nạn giao thông. Đánh giá này không chỉ đúng với lĩnh vực đường bộ mà với cả lĩnh vực đường sắt. “Điểm đen” không chỉ có ở những đường ngang dân sinh mà còn ở trong đầu những người tham gia giao thông như tài xế ô tô, xe máy và một bộ phận người dân sống hai bên tuyến đường sắt. “Điểm đen” ý thức - vì thế, còn nguy hiểm hơn đường ngang.
BR-VT không có đường sắt, nhưng không vì thế mà không có những “điểm đen băng cắt”. Quốc lộ 51, tuyến quốc lộ huyết mạch của địa phương, thời gian qua, đã nhiều lần được phản ánh về tình trạng người dân tự ý mở lối băng ngang đường; đi ngược đường để đến các lối mở ngắn nhất. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến tình trạng này. Và đúng như lời của Thủ tướng, khi những “điểm đen” trên đường chưa được rà soát, xóa bỏ hết thì mỗi người phải tự xóa cho mình “điểm đen ý thức” để bảo vệ mình và những người chung quanh.
NGUYỄN TRIỆU HẢI