Thông tin về chỉ số năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thua xa so với một số nước trong khu vực, chỉ cao hơn 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar đã dấy lên nhiều lo ngại về trình độ tay nghề, kỹ năng lao động của nguồn nhân lực và nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, khi so sánh theo sức mua tương đương, NSLĐ của nước ta chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.
Mặc dù, tính chung trong giai đoạn 2008-2018, NSLĐ của nước ta tiếp tục được cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN, với mức tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với Singapore tăng 0,9%/năm, Malaysia (1,1%/năm), Thái Lan (2,6%/năm), Philippines (3,3%/năm), Indonesia (3,4%/năm). Tuy nhiên, NSLĐ của nước ta lại có sự khác biệt rất lớn giữa các ngành và giữa các khu vực kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất (do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên), tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, gas, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, lưu trú nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới NSLĐ thấp, chậm đuổi kịp các nước trong khu vực đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Cải thiện NSLĐ quốc gia do Bộ KH-ĐT tổ chức mới đây, tại Hà Nội, phân tích, làm rõ trên nhiều khía cạnh. Đa số đại biểu đều có chung nhận định, khi cho rằng chỉ số NSLĐ của nước ta thấp do xuất phát điểm của Việt Nam thấp, do GDP thấp nên NSLĐ chậm được cải thiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nguyên nhân khiến NSLĐ nước ta chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Đó là, chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, tính cạnh tranh, tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ tay nghề thấp... sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị tăng cao để tăng NSLĐ. Bên cạnh đó, nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính, động cơ sáng tạo và đổi mới của người lao động còn thiếu và yếu… là những chướng ngại vật cản trở sự bứt phá về NSLĐ.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta nói chung và của từng DN nói riêng. Do đó, nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với toàn bộ nền kinh tế của đất nước, vì nó đồng nghĩa với việc phát triển nhanh, bền vững của cả hệ thống, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp NSLĐ của các quốc gia khu vực ASEAN. Để thúc đẩy tăng NSLĐ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần cải cách mạnh mẽ nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực được huy động và tận dụng ở mức cao nhất. Nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động, cả hai phía cung và cầu, để mọi người dân đều có thể tham gia thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của mình. Chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn cho người lao động và định hướng đào tạo các tài năng cá biệt, khuyến khích người tài. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ và tạo điều kiện để người lao động được trang bị các kỹ năng công nghệ mới, phát huy năng lực sở trường.
Phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp lao động hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa; chủ động tham gia và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ; kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”.
HOÀNG LÊ