Cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh BR-VT tổ chức ngày hội tái chế chất thải lần thứ nhất tại TP.Bà Rịa. Ngày hội đã thu hút người dân đem chất thải do họ tự phân loại, tích trữ tại hộ gia đình đến đổi lấy các tem điểm nhận quà. Kết thúc ngày hội, ban tổ chức đã thu gom gần 2,3 tấn chất thải có thể tái chế, hơn 830kg chất thải độc hại để xử lý theo quy trình an toàn cho môi trường. Đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải để tái chế, xử lý theo hướng bền vững.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề tái chế chất thải rất được chú trọng do mang lại nhiều lợi ích, vì nhiều loại chất thải sẽ là nguyên liệu chính của đầu vào dây chuyền sản xuất ra sản phẩm mới.
Như tại Thái Lan, nguyên liệu của nhà máy sản xuất gạch trang trí, đá lót nền được lấy từ nguồn phế liệu là vỏ chai thủy tinh các loại đã qua sử dụng để tái chế ra sản phẩm mới, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tại Việt Nam, nhiều DN cũng đã và đang triển khai thực hiện các dự án tái chế chất thải nhằm tạo ra sản phẩm mới hữu ích cho sản xuất và đời sống. Do đó, vấn đề thu gom chất thải phân loại tại nguồn để tái chế được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm triển khai. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn lúng túng, chưa đạt kết quả như mong đợi. Công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải tại hộ gia đình chưa hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn đời sống. Bởi, việc phân loại chất thải rắn, lỏng, vô cơ, hữu cơ đòi hỏi phải có dụng cụ chứa đựng riêng biệt. Trong khi đó, tại hầu hết hộ gia đình đều đang sử dụng giỏ rác chung cho các loại rác thải, kể cả chất thải độc hại. Nhiều hộ gia đình có thu gom riêng chất thải rắn vô cơ (kim loại, cao su, giấy, đồ nhựa…) để tích trữ bán phế liệu. Còn các loại chất thải vô cơ độc hại khác như túi ni lông, pin hỏng, bóng đèn hư, màn hình ti vi, máy tính, vỏ chai, lọ đựng hóa chất… vẫn được hộ dân bỏ chung giỏ với rác thải hữu cơ.
Mặt khác, hoạt động thu gom rác theo hình thức xã hội hóa hiện nay cũng là vấn đề cần quan tâm, bảo đảm cho việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa bàn dân cư, các xe thu gom rác do một số hộ dân tự chế để làm dịch vụ gom rác có thu tiền vẫn hoạt động theo kiểu nhanh gọn, lấy các loại rác đã được hộ gia đình bỏ chung vào bịch ni lông và vất ngay lên xe, sau đó vận chuyển đến điểm trung chuyển để đưa đi xử lý tập trung. Trường hợp hộ gia đình có giỏ nhiều ngăn chứa đựng rác phân loại, nhưng khi thu gom thì người lấy rác chỉ lượm các phế liệu có thể bán được, còn lại vẫn đổ dồn chung vào một bao, không hề quan tâm tới việc phân loại chất thải độc hại trước khi đưa đến điểm trung chuyển rác.
Thiết nghĩ, để việc vận động người dân phân loại chất thải tại nguồn đạt hiệu quả cao, phải tổ chức đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Hiện nay, với lực lượng thu gom rác dân lập ở khu dân cư đang chiếm phần lớn, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích họ chuyển đổi phương tiện vận chuyển hiện đại để thu gom, phân loại rác trước khi đưa đến nơi tiếp nhận, xử lý tập trung. Về lâu dài, cần thiết phải có sự tổ chức hợp nhất lực lượng thu gom chất thải ở khu dân cư về các đầu mối theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần dịch vụ vệ sinh môi trường. Các đầu mối tập trung này được quyền từ chối tiếp nhận chất thải để xử lý nếu hộ dân, lực lượng thu gom rác ở khu dân cư chưa phân loại và chuyển giao đúng các loại chất thải theo quy định.
GIA BẢO