Không tiết kiệm khác nào "gió vào nhà trống"

Thứ Tư, 28/08/2019, 20:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc gặp gỡ các đại biểu đảng viên trẻ tiêu biểu ngày 27/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu căn dặn đảng viên trẻ ra sức học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; học Bác sống đẹp, sống có ích, sống tiết kiệm, chống lối sống xa hoa; sống đẹp vì Tổ quốc, vì nhân dân. 

“Lãng phí” đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên như vậy trong cuộc họp tháng 8/2019 của Thường trực Chính phủ và chỉ đạo: Phải coi vấn nạn lãng phí là mối nguy, là trái với đạo đức, làm xói mòn văn hóa dân tộc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trong các cuộc làm việc, đối thoại mới đây với DN trẻ, do VCCI tổ chức: “Không tiết kiệm chi phí hợp lý, năng suất lao động sẽ tụt hậu”, “Phải coi tiết kiệm, chống lãng phí là văn hóa xã hội, văn hóa gia đình, văn hóa DN”. 

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở phải cần kiệm, liêm chính, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, từ gia đình đến xã hội. Bác nhắc đến câu thành ngữ mà cha ông ta đã tổng kết, để nhắn gửi công cuộc kiến quốc: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Người giải nghĩa, hiểu nôm na câu thành ngữ này: “Công lao vất vả kiếm được bao nhiêu tiền cũng không thấm tháp gì bởi cung cách tiêu pha lãng phí, vung tay quá trán”. Bác Hồ chỉ dạy: “Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”; “Nếu hoang phí, xa xỉ thì phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối, dẫn đến đạo đức suy đồi, gây hại cho Tổ quốc”.  

Tưởng nhớ 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, các phương tiện truyền thông kể lại một sự việc ít người biết đến. GS TSKH Nguyễn Quang Thái là nhà toán học ứng dụng, nhà vận trù học tài danh, con trai một gia đình trí thức yêu nước danh giá, có quan hệ gần gũi với Bác Hồ. Trước lúc Bác Hồ qua đời, trong Di chúc Người yêu cầu tổ chức tang lễ không phúng điếu linh đình gây lãng phí tiền bạc của nhân dân. Thấm đậm tinh thần và lời dặn của Bác, Ban Tổ chức lễ tang Nhà nước đã suy tính nhiều phương án tổ chức lễ tang của Bác sao cho tình cảm mà nghiêm trang, tiết kiệm. GS TSKH Nguyễn Quang Thái được Ban Tổ chức tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ “Vận dụng vận trù học” để tổ chức lễ tang của Bác chu đáo, chính xác, tiết kiệm, giảm phiền hà cho nhân dân khi đến viếng Người. Vận dụng kiến thức khoa học, GS TSKH Nguyễn Quang Thái đã đưa ra phương án “Vận trù học - chu đáo, tiết kiệm, nhất là tiết kiệm về thời gian”. Phương án hợp lý và tối ưu này được cấp trên chấp thuận. Bài học tiết kiệm chống lãng phí luôn luôn thấm đậm trong con người Bác và các cộng sự, những học trò mẫu mực của Người.

Đáng tiếc, hiện nay tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí không phải ai cũng ngẫm ra và thực hiện tốt, trong từng gia đình cũng như trong xã hội, trong mỗi cơ quan, đơn vị, DN. Tình trạng lãng phí của cải, tiền bạc, xăng xe, đất đai diễn ra khá phổ biến. Bộ Tài chính thông báo, hiện nay đang có hàng triệu m2 đất đai, ở các khu đất “vàng” bỏ phí, sử dụng sai mục đích, kể cả việc bị “nhóm lợi ích” chi phối; hàng chục ngàn m2 nhà khách của nhiều bộ, ngành - án ngữ các khu “mặt tiền - vàng” bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; xe công, xe biển số xanh bị lợi dụng, sử dụng tùy tiện, gây lãng phí lớn… Nợ công gia tăng có nguyên nhân sử dụng đồng tiền đi vay lãng phí, thất thoát. Có thể kể ra nhiều ví dụ, nhiều dẫn chứng nhãn tiền về tệ nạn lãng phí lớn, rất lớn công quỹ ở các bộ, ngành, các địa phương và tổ chức chính trị - xã hội... 

Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  như Nghị quyết của Đảng đã nêu là văn hóa, là đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, vì một nước Việt Nam phát triển, văn minh, giàu mạnh, hùng cường.

HẢI VÂN

 

;
.