Thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là vật liệu san lấp, cát xây dựng) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Qua công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố, cho biết: Năm 2017, phát hiện, xử lý 129 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, tịch thu 5,3 ngàn m3 cát. Năm 2018, phát hiện, xử lý 123 trường hợp, tịch thu 4,7 ngàn m3 cát. Từ tháng 1 đến tháng 7/2019, phát hiện, xử lý 73 trường hợp, tịch thu 7,7 ngàn m3 cát.
Các số liệu trên cho thấy, mặc dù số trường hợp vi phạm có giảm theo thời gian, nhưng khối lượng khai thác khoáng sản trái phép tăng lên.
Có thể lý giải tình trạng này là do nguồn cung ứng tại các mỏ trong quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mất cân đối cung - cầu thị trường, khiến cho giá cát san lấp, cát xây dựng tăng lên. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản rất cao, các đối tượng xem khoáng sản là “chùm khế ngọt” nên tổ chức khai thác trái phép một cách tinh vi, có quy mô, hoạt động vào ban đêm, rạng sáng, ngoài giờ hành chính, cắt cử người cảnh giới, theo dõi để đối phó, trốn tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng.
Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, nên các đối tượng sẵn sàng chịu xử phạt vi phạm hành chính để tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”, tại Điều 44 quy định đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tang vật vi phạm dưới 50m3 chỉ bị xử phạt tiền. Còn vi phạm với khối lượng từ 50m3 trở lên, mới vừa bị xử phạt tiền vừa bị tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Quy định như trên sẽ khiến cho đối tượng khai thác khoáng sản trái phép dưới 50m3 nếu bị phát hiện vẫn sẽ “vui vẻ” nộp phạt, để sau đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, bởi phương tiện, tang vật không bị tịch thu (có thể bán lại để bù đắp số tiền bị xử phạt). Do vậy, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, xử lý có hiệu quả hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đừng để các đối tượng tiếp tục xem khoáng sản là “chùm khế ngọt”, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong lĩnh vực này theo hướng tăng mức xử phạt bằng tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, dù cho khối lượng khai thác khoáng sản trái phép dưới 50m3.
Tại địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp tục triển khai thực hiện tốt “Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1986/QĐ-UBND ngày 26/7/2018, trong đó quy định rõ: “Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn đã phát hiện mà không xử lý; xử lý không dứt điểm để kéo dài”. Theo đó, xem kết quả thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quản lý là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng qua các hội nghị, lớp tập huấn, trên các phương tiện thông tin ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các phương tiện truyền thông đại chúng.
NHỰT THANH