Tư duy… "bao bóng"!

Thứ Năm, 25/07/2019, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Ở quê tôi, người ta gọi túi ni lông là “bao bóng”. Nghĩa là nếu quý vị từng nghe ở đâu đó 2 từ “bao bóng” mà không hình dung ra nó là cái gì, thì khi đọc đến đây, vốn từ điển của quý vị đã có thêm một từ mới thú vị. Cũng giống như cái cách tôi biết về quả khóm hay quả thơm, thay vì chỉ biết đến quả dứa như trước. Tiếng Việt đã trở nên phong phú và đáng yêu vô cùng qua mỗi vùng miền.

Sở dĩ, tôi dùng 2 chữ “bao bóng” (dù phải giải thích khá dài dòng cho quý vị) vì cảm giác trong nó hàm ý một sự mong manh, thiếu bền vững. Là điều mà tôi đang muốn đề cập đến. “Bao bóng” là một phát minh vĩ đại. Chỉ có điều, nó không nên phát minh ra ở hành tinh của chúng ta. 

Nếu không, ngày nay, cả nhân loại đã không phải đưa ra cái thông điệp khẩn khoản: “Nói không với túi ni lông”.

Theo tính toán của các nhà khoa học, một cái “bao bóng” chúng ta vứt bỏ ra môi trường phải mất đến 1.000 năm mới phân hủy hết. Trong “bao bóng”, chứa rất nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Nó thật sự là kẻ thù của hành tinh. Và kẻ thù đó đang âm thầm lớn lên mỗi ngày, bởi chính sự tiện lợi mà nó mang lại. Phần lớn chúng ta chưa nhìn thấu được về hậu quả mà phải mất hàng trăm năm mới kiểm chứng hết. Chúng ta chỉ nhìn vào những tiện ích trước mắt và những tiện ích đó thường sẽ che mờ tương lai.

Tôi tạm gọi đó là “tư duy bao bóng”. 

Trong cuộc sống và công việc, có vô vàn kiểu tư duy như vậy. Nó đang gây những cản trở về sự phát triển. Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với một vị lãnh đạo đầu ngành ở một tỉnh bạn. Anh mới nhận nhiệm vụ. Và bài toán đau đầu mà anh đang gặp phải là ổn định tổ chức. Anh tâm sự: Đụng đâu cũng khó vì không có người giỏi việc, thậm chí nhiều người đang ở nhầm chỗ. Đó là kết quả của một quá trình mà những người tiền nhiệm không chăm chút cho tổ chức, không chú tâm vào đào tạo, rèn luyện đội ngũ kế cận. Anh khảng khái: Nếu mình cũng chọn việc nhẹ nhàng thì cứ ngồi vậy. Nhìn mọi thứ vận hành theo một trật tự cũ. Chờ thời gian trôi qua trong rệu rã và hậu quả nhường lại cho người kế nhiệm. Nhưng làm vậy sao đành, nếu tổ chức không tiến lên, không đổi mới được thì mình nắm giữ vai trò người đứng đầu để làm gì?

Tuần trước, tôi cũng gặp một lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thuộc loại tầm cỡ ở tỉnh ta. Doanh thu của công ty hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Anh vui vẻ thông tin, nửa đầu năm nay là quãng thời gian thành công bậc nhất về doanh số và lợi nhuận. Nhưng anh vẫn đang rất tâm tư vì vừa rồi có một đối tác ở nước ngoài đề nghị hợp tác để ra mắt một sản phẩm mới. Nếu đồng ý hợp tác, công ty anh sẽ được hưởng lợi nhuận với một tỷ lệ nhất định mà không cần phải lo nghĩ đến chuyện bỏ vốn kinh doanh. Một kiểu hợp tác nhìn bề ngoài thực sự rất “dễ ăn”. Nhưng điều làm anh cân nhắc chính là sản phẩm mới có thể cạnh tranh với sản phẩm truyền thống của mình. “Mình hưởng 3,5% doanh thu từ sản phẩm mới, mà mất đi 10% doanh thu của sản phẩm truyền thống thì hóa ra mình thiệt”, anh nói. Nhưng đó chưa phải là tất cả! “Bây giờ nhiều tỉnh thành đã hợp tác rồi. Hiện nay, việc hợp tác có thể chưa mang lại hiệu quả tốt. Nhưng nếu 5 năm hay 10 năm nữa, sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường, mang lợi ích to lớn cho công ty thì việc mình chậm chân, lại là có lỗi với tương lai của công ty?”.

Tôi thấy mừng, vì anh là lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Anh có nhiều lựa chọn an toàn. Nhưng anh đang cố làm những công việc mới với trăn trở và tư duy xuyên thủng cái “bao bóng” che trước mặt.

HOÀNG NAM
;
.